Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt đến 3 triệu đồng hành vi đi vệ sinh "bậy": Đúng nhưng khó thực thi

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nghị định 155/2016/NĐ - CP, từ ngày 1/2/2017, hành vi đi vệ sinh nơi công cộng có thể bị phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư luận băn khoăn về biện pháp thực thi và tính hiệu quả của quy định này.

Còn lúng túng

Điều 20, khoản b, Nghị định 155/2016/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ban hành ngày 18/11 vừa qua nêu rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”. Trên thực tế, hành vi đi vệ sinh nơi công cộng gây phản cảm, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ lâu. Thậm chí, hành vi này đã trở thành một thói xấu lan truyền trong bộ phận không nhỏ người dân, làm xấu đi hình ảnh văn minh, văn hóa của người Việt, nhất là tại các đô thị lớn. Việc nâng mức xử phạt đối với hành vi này rất được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, với lực lượng chức năng, việc xử phạt lại không hề dễ dàng.
 Nhà vệ sinh công cộng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Cũng theo Nghị định 155, người có thẩm quyền xử phạt hành vi đi vệ sinh nơi công cộng bao gồm lực lượng của UBND và Công an các cấp địa phương. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết, trên đường tuần tra, giả sử có phát hiện ai đó đang tiểu tiện không đúng nơi quy định cũng khó mà đến gần để “bắt quả tang”. Hành vi tiểu tiện chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, nếu ở nơi không có camera theo dõi, cán bộ chiến sỹ mở được thiết bị riêng để ghi hình thì có khi người vi phạm cũng... xong rồi. “Nếu chỉ nhắc nhở thôi thì dễ chứ lập biên bản phạt với mức hàng triệu đồng, chắc chắn sẽ có nhiều người chối bay, đôi co với anh em. Khó lòng mà phạt được” - vị này nhận định.

Hiện tại, nhiều nơi, chính quyền địa phương cũng khá lúng túng với quy định này, chưa biết sẽ bố trí lực lượng, thực hiện như thế nào để việc xử phạt có hiệu quả.

Phạt tiền thôi chưa đủ

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thay vì phạt tiền, có thể bắt người vi phạm lao động công ích, tối thiểu là tự mình xách nước cọ rửa nơi mình vừa tiểu tiện “bậy” thì có thể sẽ có tác dụng hơn. Ông Nguyễn Ngọc Vũ (Hai Bà Trưng) đề xuất: “Tôi thấy sức mạnh của dư luận và cộng đồng rất lớn. Nếu bên cạnh việc phạt tiền, lực lượng chức năng báo về từng tổ dân phố trường hợp vi phạm, làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ cùng nhau tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người đó. Như vậy sẽ có tác dụng không nhỏ”.

Không chỉ ông Vũ, mà nhiều người dân cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của quy định xử phạt hành vi đi vệ sinh nơi công cộng khi cho rằng: “Quy định là thế nhưng tôi cho rằng khó mà phạt được. Mức phạt cao đương nhiên khiến người vi phạm sợ, nhưng ngược lại cũng gây khó cho lực lượng thực thi. Kể cả có lập biên bản, nếu người vi phạm bảo không có tiền nộp phạt thì làm thế nào? Chả lẽ giữ người chờ nộp phạt mới cho đi hay sao?”.

Nhìn nhận việc tăng mức phạt là cần thiết, nhưng thạc sĩ tâm lý học xã hội Nguyễn Anh Minh chia sẻ: “Trong xã hội hiện đại ngày nay, hành vi xấu “tiểu đường” đang ngày càng bị lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải một sớm một chiều, cũng không thể chỉ dùng một biện pháp xử phạt là giải quyết được”.