Hiện bệnh nhân (27 tuổi) đang được điều trị bệnh viêm phổi tại một bệnh viện ở Cairo và đang trong tình trạng ổn định. Bệnh nhân mắc bệnh sau khi trở về từ Saudi Arabia. Giới chức Ai Cập đã ngay lập tức triển khai các biện pháp phòng ngừa y tế tại các cảng hàng không và cảng biển. Trước đó, ngày 20/4, Bộ Y tế Ai Cập từng cảnh báo người dân nước này có khả năng lây nhiễm sau khi một nghiên cứu chứng minh rằng virus MERS có thể có nguồn gốc từ lạc đà. Trong diễn biến liên quan, ngày 26/4, Saudi Arabia đã thiết lập 3 trung tâm đặc biệt trên cả nước nhằm đối phó với sự lây lan nhanh của virus MERS trong bối cảnh số ca nhiễm virus MERS tại nước này đã lên tới 323 người, trong đó có 94 ca tử vong. MERS được coi là "họ hàng" của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003. Virus này cũng gây các triệu chứng như ho, sốt và dẫn tới viêm phổi. Mặc dù số trường hợp nhiễm chủng virus này trên thế giới tương đối thấp, song tỷ lệ tử vong lên tới 40% tại Trung Đông vẫn khiến giới khoa học và nhà chức trách lo ngại. Saudi Arabia đã mời 5 nhà sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới hợp tác với nước này nhằm phát triển vắcxin phòng virus MERS. Tổ chức Y tế thế giới ngày 25/4 cũng đã bày tỏ lo ngại trước số trường hợp nhiễm MERS ngày càng tăng tại Saudi Arabia, cho rằng cần tăng cường tìm hiểu tính chất cũng như con đường lây nhiễm của chủng virus này.