Đây chính là lý do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) lựa chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay là "Duy trì mức sinh thấp hợp lý - Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước".
Đông dân nhưng chất lượng lao động thấp
Hơn 50 năm qua, công tác DS - KHHGĐ của Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng. Cụ thể, đã được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 vào năm 2013 (ít hơn 3 lần so với cách đây 50 năm); tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2012)… Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, dù đã làm tốt công tác DS - KHHGĐ, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số và đang trải qua thời kỳ nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng, mật độ dân số thuộc nhóm cao nhất thế giới, chất lượng dân số ở mức thấp nhưng tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế… Để giải quyết những khó khăn này, cần thiết phải có sự điều chỉnh các chính sách dân số phù hợp, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, dân số Việt Nam có sự biến đổi lớn, đó là số lượng con ít hơn trước, tuổi thọ tăng lên, điều đó tạo ra lực lượng lao động đông đảo. Dù "cơ cấu dân số vàng" tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu quốc gia đó có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp. Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao do thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền còn hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập.
Cơ hội có một không hai
Theo ông Arthur Erken - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Việt Nam đã trải qua 5 năm của thời kỳ cơ cấu dân số "có một không hai" trong lịch sử. Dự báo, giai đoạn "dân số vàng" chỉ kéo dài đến năm 2040. "Nếu không biết nắm bắt cơ hội này và đầu tư ngay từ bây giờ thì Việt Nam dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình" - ông Arthur Erken nói.
Theo đánh giá của UNFPA, người trẻ tuổi hiện chiếm khoảng 40% tổng dân số của Việt Nam - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Ông Arthur Erken nhấn mạnh đến 4 thông điệp mà Việt Nam cần hướng tới. Đó là đầu tư vào chăm sóc y tế, đầu tư cho an sinh xã hội, tiếp đến là đầu tư cho thanh niên trong giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững. Ngoài ra, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, Luật Dân số nên đưa vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào mức sinh.
Số người trong độ tuổi lao động hiện chiếm đa số trong cơ cấu dân số của nước ta. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Danh Lam
|
Chiều 9/12, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Nội dung chính của Tháng Hành động hướng tới Ngày Dân số Việt Nam 26/12 là duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước. Theo dự báo của Liên Hợp quốc, nếu Việt Nam có mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3 - 2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức quá cao từ 130 - 140 triệu người, mật độ dân số cao khoảng 400 người/km2. (Thu Nhi) |