Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là vùng đất chiêm trũng với diện tích mặt nước lớn, huyện Ứng Hòa đã tận dụng lợi thế, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Anh Nguyễn Văn Tản (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú) đã có 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá. Trên diện tích 3,6ha đất ruộng trũng, anh đầu tư cải tạo thành ao thả cá kết hợp nuôi vịt đẻ trên cạn. "Năm 2013, trang trại của tôi xuất ra thị trường khoảng trên dưới 6 tấn cá các loại, cộng với nuôi 3.000 con vịt đẻ, gia đình tôi thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi từ 150 - 180 triệu đồng" - anh Tản nhẩm tính.

Toàn xã Phương Tú có 3.212 hộ thì có gần 600 hộ nuôi cá với diện tích 128ha. Nhiều năm qua, nuôi cá là nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Nhiều hộ năng động vừa nuôi, vừa kiêm nghề buôn bán thủy sản tại các chợ đầu mối trên TP. Hàng năm, nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ ND TP và được Chi cục Thủy sản Hà Nội hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi thâm canh cá truyền thống mà năng suất, chất lượng cá được nâng cao. Các hộ nuôi cá đã có thu nhập ổn định, với mức lãi trung bình từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, với lợi thế diện tích mặt nước 3.000ha, huyện luôn xác định NTTS là thế mạnh trong phát triển kinh tế. Vì vậy, những năm qua, huyện đã ưu tiên đầu tư để các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình, trang trại nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình NTTS có giá trị kinh tế cao như: cá, cua, chạch đồng, cá sấu... tại các xã Phương Tú, Trung Tú, Hòa Lâm, Ngọc Động; 2 mô hình NTTS tập trung tại 2 xã Đồng Tân và Trung Tú.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, với mục tiêu trở thành vựa cá của Thủ đô, Ứng Hòa đã hoàn thành quy hoạch xây dựng chợ đầu mối thủy sản hiện đại với hệ thống thương mại, dịch vụ cung cấp nguồn thủy sản cho thị trường TP. Cùng với đó, huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hội Nghề cá Việt Nam thành lập Hội Thủy sản với 115 hội viên ở 3 xã Phù Lưu, Đại Cường, Phương Tú. Ngoài ra, huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TP, Chi cục Thủy sản TP mở các lớp tập huấn, dạy nghề giúp các hộ NTTS thấy được tầm quan trọng của việc chọn loại cá nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Đồng thời, nâng cao kinh nghiệm cho nông dân từ khâu cải thiện ao nuôi đến chăm sóc, quản lý, phòng trị bệnh; khuyến cáo nông dân không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục bị cấm nhằm đảm bảo chất lượng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, ngoài 2 mô hình NTTS tập trung được TP đầu tư với tổng kinh phí 16 tỷ đồng, hầu hết các địa phương tham gia NTTS còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng cơ sở của một số địa phương NTTS vẫn chưa được quy hoạch đường điện, mương cấp thoát nước, giao thông nội đồng chưa được kiên cố hóa toàn bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các hộ trong việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, Dự án chợ đầu mối thủy sản cũng chưa được triển khai nên hầu hết người dân đều bán qua thương lái mà chưa có hợp đồng trực tiếp với các cơ sở thu mua, làm giảm mức lãi... Một khó khăn khác là chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các hộ nuôi và cơ sở thu mua. Nếu khắc phục được những khó khăn trên, chắc chắn Ứng Hòa sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa lợi thế mặt nước lớn của vùng đồng trũng trong phát triển NTTS.