Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính:

Phát huy nguồn lực, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, phát huy nguồn lực để có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ đóng góp vào thành công chung của cả nước mà còn tạo thế và lực cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Mở rộng địa giới hành chính là một quyết sách lịch sử để Hà Nội phát triển bền vững.
Mở rộng địa giới hành chính là một quyết sách lịch sử để Hà Nội phát triển bền vững.

Quyết sách lịch sử

Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII “về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" là dấu mốc và bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô lên một tầm cao mới. Đây là một chủ trương đúng đắn, một quyết sách lịch sử có tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn để phát huy vị trí, vai trò đầu tàu và sức lan tỏa của Thủ đô trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích 3.328,89km2 với dân số 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển (từ 2008-2023), dân số đến nay (ước tháng 6/2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong năm 2023.

Như vậy, không gian Thủ đô Hà Nội được mở rộng đủ lớn để chính quyền Hà Nội thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng của mỗi vùng đất... Quy mô dân số, lao động lớn hơn, tạo điều kiện huy động thêm nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khắc phục những hạn chế, bất cập, mất cân đối, manh mún trong quá trình phát triển không gian kinh tế, xã hội, vùng đô thị và vùng phụ trợ.

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã gia tăng nguồn lực để Hà Nội phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo tiền đề để thủ đô Hà Nội phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững.

Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; suy giảm kinh tế toàn cầu và những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới, nhất là ảnh hưởng xung đột Nga – Ucraina từ đầu năm 2022. Ngoài ra, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và bất cập, quy mô diện tích, dân số lớn khi dân số nông thôn còn nhiều nên việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gặp khó khăn.

Trong bối cảnh và điều kiện đó, với tinh thần năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đoàn kết và quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đột xuất đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Hà Nội luôn là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. 
Hà Nội luôn là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 và tương đương với 1/8 quy mô kinh tế cả nước (khoảng 409 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước thành phố tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên vượt 300 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước, nhưng riêng thu nội địa là nguồn thu bền vững phản ánh thực lực của nền kinh tế đứng đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách thành phố đã đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa.

Ngoài nguồn lực về đất để phát triển các dự án kinh tế trong nước và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Trong 3 năm 2021-2023, đã tổ chức khởi công được 13/43 cụm công nghiệp đã được phê duyệt theo quy hoạch, 30 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Kinh tế tri thức, kinh tế số được chú trọng. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT, đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tạo sự phát triển đồng đều, toàn diện cho các địa phương của Thủ đô

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội tạo sự thúc đẩy của một vùng rộng lớn, các quận thúc đẩy các huyện khó khăn, tạo sự phát triển đồng đều cho các địa phương của Thủ đô. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; ngoài ra, trong công tác xây dựng nông thôn mới có sự tham gia tích cực của UBND các quận và đóng góp trực tiếp của người dân.

Ngân sách đầu tư cho các huyện được tăng cường. Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 27.109 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thành phố là 8.546 tỷ đồng (chiếm 31,5%); giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động là 62.459 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thành phố là 21.935 tỷ đồng (chiếm 35,1%); từ năm 2021 đến quý II/2023 tổng kinh phí huy động là 46.778 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thành phố là 22.129 tỷ đồng (chiếm 47,3%).

Quang cảnh vùng Nông thôn mới ở huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú. 
Quang cảnh vùng Nông thôn mới ở huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú. 

Quá trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội khá nhanh. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại. Ở đó, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.

Đời sống Nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện một bước đáng kể. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 92,5%.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô

Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động, tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ khu vực kinh tế tư nhân và xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, quy hoạch và phát triển đô thị, cải thiện hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, mở rộng các không gian kinh tế mới.

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng tối đa khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người dân, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...Thành phố sẽ xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Hà Nội sẽ đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”.