Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy nhân tố con người Việt Nam: Cần thay đổi gì?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát huy nhân tố con người Việt Nam.

Tuy nhiên, so với 10 năm trước, “thế giới ảo không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật, tác động đến việc hình thành tính cách người Việt” – đó là nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn.
Đã đến lúc cần đề ra chiến lược phát huy nhân tố con người Việt Nam thế nào trong 10 năm tới, khi nền công nghệ đang tiến về 4.0. Nội dung này vừa được bàn trong cuộc tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Bộ VHTT&DL.
Nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa
So với 10 năm trước, khi bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành, khoảng cách kinh tế và môi trường văn hóa đã thay đổi rất lớn. Thu nhập đầu người gần gấp 3 so với trước. 10 năm trước, thị trường văn hóa mới manh nha hình thành, hội nhập quốc tế trên không gian mạng đã có nhưng khác xa so với bây giờ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách con người Việt Nam.
TP Hà Nội luôn chú trọng xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh: Hải Linh
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng: Việc chịu quá nhiều áp lực khiến con người Việt Nam hiện nay không thể giống như trước kia. Quá trình đô thị hóa tạo ra tính vô danh của con người trong xã hội, kết hợp với xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng trong xã hội. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thế giới ảo không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật.
Ở một ví dụ cụ thể về những thay đổi đó là tính cách của người Hà Nội. Khi nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, hai chữ “thanh lịch” dường như đã được đóng đinh, định vị. Nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện khá rộng, cả về tâm hồn trí tuệ, ở sự tinh tế khéo léo trong giao tiếp và thị hiếu cảm thụ, hưởng thụ… Nhưng rồi, khi Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh, nên hiện có sự đan xen của văn hóa, đan xen phong tục tập quán của người Hà Nội và văn hóa của các vùng miền trong cả nước, thì nét thanh lịch ấy cũng phải định vị theo những nghĩa khác hơn.
Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội thì đã có những hiện tượng nổi cộm như chửi thề nơi công cộng. Nhiều fan cuồng ồn ào, la hét, quỳ trước thần tượng, nhưng lại không biết nói lời “cám ơn” hay “xin lỗi”. Một bộ phận nhà hàng mặc sức xả "bún mắng, cháo chửi" phục vụ “thượng đế”. Xây dựng văn hóa con người Hà Nội lúc này không thể là sự hoài cổ nhớ cách nghĩ, cách làm xưa mà phải chấp nhận những đổi thay, tìm ra những tinh túy để chắt lọc lấy ứng xử tốt.
Đề cao tính làm gương
Theo PSG.TS Bùi Hoài Sơn thì việc xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để. Nếu chỉ có một hay một vài giải pháp đột phá thì khó giải quyết được vấn đề. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng, vị trí của văn hóa trong phát triển con người; chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ; thực thi nghiêm kỷ cương, pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa; nâng cao trách nhiệm của báo chí, thông tin truyền thông trong đấu tranh phòng và chống suy thoái đạo đức, lối sống; giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân; có chính sách thu hút nhân tài; phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng con người, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam thu hút được sự quan tâm của công chúng; đẩy mạnh xây dựng con người thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.
Nhấn mạnh văn hóa là một quá trình nỗ lực, sáng tạo liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 10 năm qua việc thực hiện Chiến lược đã đạt được những kết quả tích cực. Chính vì vậy, chúng ta phải đánh giá, tổng kết chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 để kế thừa những mặt tích cực, đề ra các giải pháp, công việc cần tập trung trong thời gian tới.
“Phát triển văn hóa phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động phát huy sáng tạo cá nhân, dân chủ nhưng phải đi liền với pháp luật, kỷ cương, nhất là phải làm gương. Trước hết từ bộ máy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, từ cao xuống thấp. Cán bộ phải làm gương trước người dân. Người lớn làm gương cho con trẻ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.