Kinhtedothi - Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng dự kiến là 5,8% hoặc cao hơn một chút, lạm phát thấp, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể… Đó là những chia sẻ của GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư dành cho báo chí về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng năm 2015.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Thưa ông, kinh tế Việt Nam năm 2014 đã có những dấu hiệu phục hồi. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- GS.TS Vương Đình Huệ: Những điểm tích cực và điểm sáng tôi thấy cần nhấn mạnh về kinh tế Việt Nam năm 2014 ở mấy điểm: Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2013; Lạm phát thấp, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra; Tăng trưởng kinh tế khoảng hơn 5,8%, từ năm 2011 đến nay, đây là năm đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng đạt vượt kế hoạch…
Có người cho rằng, lạm phát thấp là do tổng cầu vẫn còn thấp, do chi tiêu công không có dư dả nhiều. Thậm chí cũng có không ít ý kiến lo lắng, kinh tế có thể rơi vào thiểu phát hay giảm phát. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì không phải như vậy, bởi kinh tế vẫn đang tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước; tổng cầu cũng có tăng.
GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư .
|
Điểm sáng thứ hai, đó là thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn. Biểu hiện rõ nhất là cả lãi suất huy động và cho vay đều giảm. Lãi suất cho vay năm nay xuống mức khoảng 8 - 9% là giảm rất mạnh so với thời kỳ trước đây. Tỷ giá của VND so với USD ít biến động và điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu cũng như củng cố tâm lý thị trường: Kể cả khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá 1% thì thị trường phản ứng chưa đạt được biên độ 1%. Một minh chứng cho nhận định trên là thị trường chứng khoán ổn định và nằm trong 5 thị trường có tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Trong khi dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh.
Điểm sáng thứ ba cần nói đến đó là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Việc tái cơ cấu, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN) đang giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Trong khi đó, tái cơ cấu ngân hàng giúp đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất, kinh doanh của DN. Xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả bước đầu.
Đối với tái cơ cấu đầu tư công đã giúp giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 2006 - 2010 thì chỉ số Icor (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của toàn bộ nền kinh tế là 6,96 nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015 ước tính còn khoảng 6,5.
Đấy là những điểm sáng cơ bản mà tôi muốn nói khi đề cập đến kinh tế Việt Nam năm 2014.
Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo đánh giá chung còn chậm; năng suất lao động còn thấp… vẫn ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Ban Kinh tế T.Ư theo như nghiên cứu của mình thấy nên có những điểm nhấn hay những lưu ý gì trong việc tái cơ cấu đó, thưa ông?
- GS.TS Vương Đình Huệ: Trước đây, chúng ta có đánh giá là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa có được những chuyển động đột phá, tích cực. Một phần do chưa làm rõ được nội hàm của mô hình phát triển, mô hình tăng trưởng. Qua quá trình nghiên cứu của Ban Kinh tế T.Ư cũng như nhiều cơ quan khác, Ban đề xuất, trước hết phải xác định mô hình tăng trưởng với mấy tiêu chí rất quan trọng. Định dạng mô hình này thì gọi là mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.
Về phương thức để thực hiện mô hình này là kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, tăng trưởng chiều sâu là hướng chủ đạo. Tuy nhiên nó cần phải có lộ trình. Và ngay trong thời gian tới đây một số ngành thâm dụng nhiều lao động vẫn phải tiếp tục phát triển như dệt may, da giày…, chỉ có khác là đưa thêm công nghệ vào, quản trị vào để gia tăng chuỗi giá trị của những ngành hàng này.
Hiện nay, trong chuyển dịch cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang nhanh hơn chuyển dịch cơ cấu lao động. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của Việt Nam tính theo cách tính thế giới luôn thấp. Hiện nay, lao động nông nghiệp của Việt Nam là 47%, cư dân nông nghiệp của cả nước khoảng 70%. Có những tỉnh có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong GDP chỉ 5,5% nhưng vẫn còn đến 30% lao động trong nông nghiệp. Khi lấy GDP chia cho số lao động, rõ ràng là thu nhập của mình thấp, năng suất của mình thấp.
Như vậy, mô hình tới đây phải hết sức đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài có khuyên chúng ta, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, trong 3 yếu tố là năng suất, chất lượng, hiệu quả thì nên coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động. Do đó, chúng ta phải giảm dần việc sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và tăng trưởng chủ yếu thâm dụng vốn chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào KH&CN, đầu tư cho khoa học, đầu tư cho công nghệ, phát triển kinh tế trí thức. Và chúng ta cũng phải chuyển mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khả năng gia công, hiệu quả thấp và bị động phụ thuộc sang tăng trưởng dựa trên chủ động khai thác các lợi thế cạnh tranh của đất nước để gia tăng giá trị nội địa, giá trị quốc gia.
Và mục tiêu tăng trưởng cũng được xác định giản dị thôi. Gần đây, chúng ta nghe đến cụm từ "tăng trưởng bao trùm". Bao trùm ở đây là tăng trưởng cho tất cả mọi người, làm sao nâng cao được thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của người dân, làm cho ai cũng được hưởng kết quả của tăng trưởng.
Hứa hẹn sức bật mới
Năm vừa qua, xuất khẩu và đầu tư chủ yếu dựa vào khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do đó một số tổ chức quốc tế trong nhiều diễn đàn có nêu rằng, Việt Nam phải tăng cường khối DN tư nhân. Ông nói gì về điều này vì trên thực tế cả xuất khẩu lẫn đầu tư không thể trông chờ vào nguồn vốn FDI mà sẽ phải dựa vào nguồn nội lực là chủ yếu?
- GS.TS Vương Đình Huệ: Điều này liên quan đến chiến lược của từng giai đoạn. Trước đây, chúng ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, thứ hai là dựa vào xuất khẩu. Vừa qua, Ban Kinh tế T.Ư đề nghị thêm ngoài chú trọng vào đầu tư, xuất khẩu thì hết sức coi trọng nhu cầu tiêu dùng trong nước (tức là phát triển thị trường trong nước). Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng khuyến cáo Việt Nam không nên chỉ chạy theo xuất khẩu mà cần tập trung cho thị trường nội địa, phát triển cân bằng hơn cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Gần đây, trong tất cả các diễn đàn, các hội thảo của cả giới khoa học, cả giới đại diện cho lãnh đạo các nước (các đại sứ), họ nói nhiều đến kỷ nguyên tới đây là kỷ nguyên phát triển của các DN nhỏ và vừa với điều kiện là sử dụng công nghệ và kỹ thuật nước ngoài, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài và lao động của Việt Nam để sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao, trước hết là thỏa mãn cho nhu cầu của thị trường trong nước của 90 triệu dân.
Năm 2015 được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Vậy, ông đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức trong năm 2015?
- GS.TS Vương Đình Huệ: Những khó khăn thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ còn tiếp diễn trong năm 2015. Một là, một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, nhất là về thu - chi ngân sách và cơ cấu chi ngân sách trong điều kiện giá dầu thế giới giảm sâu như vừa qua lại càng làm cân đối ngân sách khó khăn hơn. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Thứ ba, sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn, số DN ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Khó khăn thách thức nữa là nợ công cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều, nợ xấu tồn đọng, nợ xấu của DN còn cao, xử lý còn chậm…
Tuy nhiên, cùng với xu hướng phục hồi kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng có những thuận lợi. Năm 2015 là năm cuối cùng để các bộ, ngành địa phương "nước rút" hoàn thành chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm. Đây cũng là năm sẽ kết thúc đàm phán, triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA): FTA với Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP. Và đặc biệt, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN - thị trường cỡ khoảng 650 triệu dân và khoảng gần 2.000 tỷ GDP (đứng thứ 7 trên thế giới… Đó vừa là thách thức cũng là cơ hội không nhỏ. Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Năm 2015 cũng là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực: Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại DN và một loạt luật khác; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Dạy nghề…, hàng loạt luật có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường, mà các bộ luật này tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.
Tôi nghĩ sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế, cộng với Chính phủ đã và đang cam kết đưa chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh đạt mức bình quân của ASEAN 6... Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo quyết liệt như thế nào để nắm được những cơ hội của năm 2015.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!