Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2024):

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân trong xây dựng Thủ đô

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ TP Hà Nội trong 94 năm qua (17/3/1930 - 17/3/2024), đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của TP luôn là lực lượng tham mưu chủ yếu cho Đảng bộ TP về công tác dân vận.

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố sự ổn định chính trị, đồng thuận xã hội, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô...

Ban Dân vận 7 quận, huyện có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua ký giao ước thi đua.
Ban Dân vận 7 quận, huyện có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua ký giao ước thi đua.

Phát huy vai trò Nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền

Qua gần 40 năm cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, Thủ đô cũng đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ những người làm công tác dân vận, TP Hà Nội đã phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực không ngừng, năng động, sáng tạo, đạt nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong đó, công tác dân vận của Đảng bộ TP từng bước được đổi mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống dân vận từ TP đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận. Phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị TP. Chỉ đạo hệ thống dân vận cơ sở phát huy vai trò của gần 5.000 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố trong công tác nắm, dự báo tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, 10 chương trình công tác của Thành ủy.

Đặc biệt, thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, Thành ủy Hà Nội luôn xác định làm tốt công tác dân vận, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lấy người dân là chủ thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác phòng, chống dịch, huy động hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội tham gia hơn 26.000 “Tổ Covid-19 cộng đồng” ở 579 xã, phường, thị trấn. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ Thủ đô bình an, từng bước phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1/10/2021 về “đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận TP trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể hoá Chỉ thị số 07-CT/TU, Ban Dân vận Thành ủy đã phát huy tinh thần chủ động trong tham gia thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Ban Dân vận Thành ủy đã khảo sát, nắm tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chủ trì, tổ chức Hội nghị phát động, ký kết giao ước thi đua về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đối với 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua. Đồng thời, tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên.

Hội thi “Dân vận khéo” quận Hoàng Mai được tổ chức sôi nổi, góp phần động viên phong trào thi đua trên địa bàn.
Hội thi “Dân vận khéo” quận Hoàng Mai được tổ chức sôi nổi, góp phần động viên phong trào thi đua trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Nếu như năm 2021, tổng số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp TP được đăng ký là 11.576 mô hình thì đến năm 2023, tổng số mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai là 13.663 mô hình. Qua tổ chức triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo", nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết và góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Nâng cao chất lượng dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả

Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận trong xây dựng Đảng, thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả. Chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Quán triệt, triển khai nghiêm túc và kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Chủ động phối hợp nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh, bức xúc trong Nhân dân.

Ngoài ra, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp giữa ban dân vận các cấp với chính quyền đồng cấp, các ban, ngành, lực lượng vũ trang. Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị; quan tâm phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung vào các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và các nhiệm vụ trọng tâm của TP như: giải phóng mặt bằng; chỉnh trang đô thị; bảo vệ cảnh quan, môi trường, xử lý rác thải; phát triển công nghiệp văn hóa; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp…

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức bộ máy của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng thực chất, hiệu quả. Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển Thủ đô trong tình hình mới.