Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau gần 3 năm triển khai, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiệm vụ đến năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sau gần 3 năm triển khai, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiệm vụ đến năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn lực văn hóa được khai phá, từng bước trở thành “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Múa rồng biểu diễn tại ngày hội văn hóa vì hòa bình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng
Múa rồng biểu diễn tại ngày hội văn hóa vì hòa bình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Đánh thức tiềm năng, gia tăng sức hút

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, quận Bắc Từ Liêm sở hữu 35 di sản văn hóa phi vật thể gồm các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian và phong tục tập quán. Trong đó, có thể kể đến lễ hội truyền thống đình Chèm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016; hội truyền thống đình Thượng Cát, hội bơi Đăm, hội đình Vẽ, hội kết chạ Kiều Mai…

 

Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô. Đảng bộ TP đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU gắn với việc định vị thương hiệu thành phố sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và làm văn hóa chuyên nghiệp...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Ngoài ra, quận còn có 26 di tích cách mạng kháng chiến như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng, làng khoa bảng, làng cổ Đông Ngạc... cùng hàng nghìn di vật, cổ vật quý hiếm. Đây là những tiềm năng lớn để quận phát triển công nghiệp văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã phát huy các giá trị các di sản, xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ứng dụng công nghệ thổi làn gió mới vào các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Theo đó, năm 2023, quận tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa”, năm 2024 với chủ đề “Dấu thiêng miền đất cổ”.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, các chương trình nghệ thuật này là một sản phẩm thiết kế sáng tạo mang tới cho Nhân dân và du khách thập phương một một cảm xúc mới, với ấn tượng, trải nghiệm đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Còn tại thị xã Sơn Tây, phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thị xã Sơn Tây đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc, tạo nên những không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia như: khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hàng năm, tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chương trình Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu, đăng cai Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, Cuộc thi Hoa hậu áo dài di sản Việt Nam, Chương trình Hanoi concert - Đoài melody...

Đến nay, Sơn Tây đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, đêm làng cổ…

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, từ năm 2021 đến nay, Sơn Tây đã đón hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch đến địa bàn. Riêng năm 2024, thị xã đã đón tiếp hơn 1,1 triệu lượt khách tham quan tại các di tích, điểm du lịch trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,5 triệu đồng/năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Với mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hoá, trọng tâm phát triển du lịch văn hóa phát triển cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, huyện Đan Phượng tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện; dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa - lịch sử xã Hạ Mỗ. Xây dựng 2 điểm đến du lịch: điểm du lịch xã Hạ Mỗ, khu sinh thái Đan Phượng được TP công nhận. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã đón khoảng 185.500 lượt người đến tham quan; doanh thu du lịch là 3.511 tỷ đồng. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống được phát huy, phục vụ hiệu quả công tác du lịch của địa phương.

Biến văn hóa thành nguồn lực phát triển trong kỷ nguyên mới

Có thể nói, công nghiệp văn hóa đã không còn là khái niệm xa lạ mà từng bước thấm dần vào cuộc sống ở khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành riêng một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết 09-NQ/TU). Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo mạnh mẽ và truyền cảm hứng trong ngành văn hóa đến như vậy.

Năm 2024, công chúng được chứng kiến nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra trên địa bàn Thủ đô, mang đến những trải nghiệm sôi động và dấu ấn đặc sắc cũng như nguồn thu cho kinh tế TP. Tiêu biểu như Lễ hội Sen Tây Hồ 2024 thu hút hơn 50.000 khách tham quan, doanh số bán hàng, ghi nhớ hợp tác đạt hơn 11 tỷ đồng; lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 đã thu hút gần 11 vạn người dân và du khách tham dự; hai concert chương trình “Anh trai say hi” tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình thu hút khoảng 90.000 khán giả…

Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, Hà Nội tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế tiềm năng như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí. Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di sản được UNESCO ghi danh; 22 bảo tàng ngoài công lập, lĩnh vực hoạt động, trưng bày tập trung chuyên đề chuyên sâu theo các nhóm về hội họa, cổ vật, chứng tích chiến tranh, lưu niệm danh nhân. Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, Hà Nội đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, Hà Nội đã hoàn thành số hóa 3D các hiện vật và một số hạng mục quan trong tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội; xây dựng các chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian phố cổ, phố cũ, hình thành 5 không gian các tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động… hấp dẫn khách tham quan.

Hà Nội cũng nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, triển khai các sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống, mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội điển hình như: tour “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour “Giải mã Hoàng thành”; Hà Nội 36 phố phường; trải nghiệm tour “Ngọc Sơn huyền bí” và nhiều địa điểm trải nghiệm sáng tạo khác. Nguồn thu từ hoạt động thăm quan di tích tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008 (đạt 90 tỷ đồng năm 2023 so với 9 tỷ đồng năm 2008).

Rõ ràng, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và thực tiễn của cuộc sống. Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều đó đòi hỏi mỗi địa phương đều phải lựa chọn thế mạnh làm chiến lược để “bứt phá và cất cánh”, trong đó việc tận dụng, phát huy tiềm năng văn hóa trở thành nguồn lực, “sức mạnh mềm” để phát triển bền vững có vai trò quan trọng.