Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy thành tựu, chung sức vượt khó khăn xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - KTĐT - Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ - QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2013), đồng chí Nguyễn Thế Thảo - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có bài viết: “Phát huy thành tựu, chung sức vượt khó khăn xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”.

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Chủ tịch UBND TP:

Ngày 1/8/2008, Nghị quyết số 15/2008/NQ - QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, Hà Nội chính thức mở rộng, bao gồm diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), có tổng diện tích 334.470,02 ha, dân số 6,2329 triệu người, lớn nhất từ trước đến nay.

5 năm qua, một chặng đường không dài, nhưng chúng ta có thể tự hào Thủ đô Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện được mục tiêu quan trọng và đạt những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, quan hệ đối ngoại.

 
Phát huy thành tựu, chung sức vượt khó khăn xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại - Ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiểm tra quy hoạch xây dựng nút Mai Dịch - đường  32 mở rộng. Ảnh: Anh Quý 

 
Chủ trương đúng, hành động quyết liệt

Xác định, khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính TP sẽ cùng lúc phải giải quyết khối lượng lớn công việc về mọi mặt, nên ngay từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây đã chủ động cùng các địa phương liên quan hợp nhất, tổ chức họp quán triệt tới toàn thể cán bộ chủ chốt về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng và bàn kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội. UBND TP căn cứ vào chỉ đạo của T.Ư đã khẩn trương ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch và Hướng dẫn triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, thực tiễn khi triển khai, TP đã phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, đội ngũ cán bộ "phình to", có nơi số cấp Phó Giám đốc sở đông tới trên chục người… Để giải quyết vấn đề này, TP đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ các cấp, theo hướng, từng bước luân chuyển, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Tính ra, trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý đã được luân chuyển về làm Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện; giới thiệu để HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Đội ngũ cán bộ này đã phát huy tốt kinh nghiệm và năng lực, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ TP giao… Cùng với đó, TP đã tổ chức thi, xét tuyển 2.248 công chức hành chính, 2.189 công chức cấp xã, trên 22.000 viên chức, bảo đảm đúng quy định. Về cơ sở vật chất, TP đã có quan tâm nên ngay tháng đầu hợp nhất (tháng 8/2008), toàn bộ các cơ quan TP đã được bố trí sắp xếp trụ sở, cơ bản hợp lý, bảo đảm ổn định cho hoạt động của cơ quan cũng như thuận lợi phục vụ cho tổ chức và nhân dân trong các giao dịch hành chính…

Để bảo đảm thống nhất cho công tác quản lý, điều hành, TP đã tiến hành rà soát, phân loại các văn bản quy định của các địa phương trước khi hợp nhất ban hành để thay thế bằng văn bản quy định thống nhất trên toàn địa bàn, trong đó có kế thừa cơ chế chính sách cũ và từng bước thực hiện chính sách mới. Tổng cộng, TP đã rà soát 1.482 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó Hà Nội có 1.304, Hà Tây có 178) gồm: 80 nghị quyết, 1.262 quyết định, 140 chỉ thị. Tính đến năm 2009, TP đã ban hành 203 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có 170 quyết định và 33 chỉ thị, nghị quyết) trên các lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ đô trong tình hình mới, địa bàn mới, bảo đảm đúng quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động bộ máy chính quyền cũng như cho người dân, tổ chức trong các giao dịch.

 
Phát huy thành tựu, chung sức vượt khó khăn xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại - Ảnh 2
Ảnh: Huy Hùng

Thành tựu ấn tượng

Thủ đô Hà Nội đã có vài bận điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng đợt điều chỉnh này có quy mô lớn nhất và thực hiện những trọng trách có tính lịch sử "ngàn năm có một" - Đó là tổ chức thành công kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tinh thần, không chỉ có Lễ và Hội, khơi dậy niềm kiêu hãnh, khí phách quật cường của Thủ đô ngàn năm văn hiến, TP đã gắn các hoạt động kỷ niệm với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả to lớn. Thông qua các hoạt động hướng về Đại lễ, TP đã triển khai và hoàn thành trên 100 công trình (trong đó có 71 công trình của TP) về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị, thiết yếu phục vụ dân sinh, tạo bộ mặt Thủ đô căn bản thay đổi, khang trang, hiện đại, đẹp và sáng - xanh hơn…  Đặc biệt, cũng dịp này, TP đã hoàn thành các thủ tục để UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc) ra Nghị quyết công nhận Di sản Văn hóa thế giới cho di tích lịch sử: Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, lễ hội Gióng và ca Trù, là những công trình văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc, đã góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa thế giới và khẳng định nền văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hóa - anh hùng - hòa bình của Thủ đô và đất nước.

 Bên cạnh đó, TP còn đạt những thành tựu kinh tế ấn tượng. 5 năm qua (2008 - 2013), TP đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,51%/năm, luôn tăng cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Trong đó, năm 2012, GRDP ước đạt 88.157 tỷ đồng tăng gấp 1,43 lần so với năm 2008; Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.697 USD/người). Thu ngân sách liên tục đạt và vượt dự toán, với bình quân thu hàng năm đạt 106.880 tỷ đồng (tăng trung bình 19,2%/năm), trong đó năm 2012 thu ngân sách đạt 146.331 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2008, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 1,86 lần...  đưa Hà Nội lên vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng có vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Đến năm 2012, dân số của Hà Nội chiếm 7,84% của cả nước, TP Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp trên 25%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước...

Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được TP đặc biệt quan tâm đầu tư. Trong giai đoạn 2008 - 2012, đã đầu tư 2.303 tỷ đồng phát triển cấp huyện, bình quân 461 tỷ đồng/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2008. Bộ mặt nông thôn căn bản đổi mới: 100 % số xã có đường ô tô đến trụ sở xã và có điện lưới quốc gia, trong đó 13 xã chưa có điện đã được cấp điện ngay trong năm đầu hợp nhất; hơn 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối internet; 70% số hộ có điện thoại...

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay 100% huyện, thị xã đã lập xong đề án cấp huyện. Tất cả các xã đã hoàn thành phê duyệt đề án và 400/401 xã đã hoàn thành quy hoạch xã NTM, có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 19 tiêu chí, trong đó, 27 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí... Dự kiến đến hết năm 2013, có 62 xã đạt tiêu chí NTM.

 
Phát huy thành tựu, chung sức vượt khó khăn xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại - Ảnh 3
Du khách trẩy hội Chùa Hương trên dòng Suối Yến. Ảnh: Đức Minh

 
Phát triển theo quy hoạch

 5 năm qua, TP còn tập trung xây dựng được những định hướng phát triển mang tính chiến lược lâu dài, bảo đảm những yêu cầu căn bản có tính cốt lõi để Thủ đô phát triển bền vững. Đó là, đã nghiên cứu xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030"; "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050";  "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050"; triển khai Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015)... Đặc biệt, Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực (1/7/2013), trong đó TP đã cụ thể hóa và ban hành 11 cơ chế, chính sách quy định tại Luật Thủ đô triển khai thực hiện trên địa bàn.

Từ chỗ, một bộ phận lớn các địa phương mới về Hà Nội "trắng" quy hoạch, đến nay, tất cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã đã hoàn thành phê duyệt; các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện, thị trấn sinh thái, đô thị vệ tinh đang tích cực được triển khai; 28 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cơ bản đã hoàn thành và được phê duyệt; hàng chục quy hoạch phân khu, đồ án phân khu khác;  quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch chung xây dựng đang được xem xét phê duyệt cuối năm 2013.

Cùng với đó, TP tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông và đã có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, như:  Đường Láng - Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao... Nhiều hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ: Đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), quốc lộ 32, quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi... Tăng cường, chỉ đạo triển khai, như: Đường Vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy, đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga Hàng không T2 Nội Bài; 3 tuyến đường xe điện đô thị; một số cầu vượt tại các nút giao được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông…

Xây dựng Thủ đô xứng tầm với đất nước

5 năm qua đi - một thời gian chưa dài, nhưng Hà Nội đã thực hiện được mục tiêu hết sức căn bản và then chốt là: Củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, nhất thể hóa các cơ chế; xử lý tốt những khó khăn, phức tạp phát sinh;  tổ chức thành công kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị bảo đảm, quốc phòng được củng cố, hoạt động đối ngoại được mở rộng, đã nâng vị thế và tạo động lực cho Thủ đô phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế. Kết quả đó, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành T.Ư, sự ủng hộ của các địa phương, đã tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và dư luận xã hội, đây là động lực, điểm tựa vững chắc và là điều kiện quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tổ chức thực hiện triển khai tập trung có hiệu quả Nghị quyết 15/2008/NQ - QH12 của Quốc hội.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu phát triển của Thủ đô, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, trong thời gian tới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội… Lãnh đạo TP mong muốn các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, với tình cảm và trách nhiệm của mình, tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; giữ vững an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh để góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu đẹp, xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong thời kỳ CNH - HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn ThếThảo
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội