Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy trí tuệ toàn dân trong phản biện xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, thời gian qua MTTQ TP đã chỉ đạo MTTQ các quận, huyện, thị xã tổ chức hội nghị phản biện, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý vào mục tiêu kinh tế - xã hội (KT - XH), an ninh quốc phòng.

 
Theo MTTQ TP, đến nay, nhiều quận, huyện đã tổ chức hội nghị phản biện như: Từ Liêm, Ứng Hòa, Gia Lâm, Thanh Xuân, Long Biên. Tại các hội nghị này, không khí thảo luận đều toát lên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, một số ý kiến gợi lên một số điều đáng suy ngẫm. Tại huyện Ứng Hòa, qua phản biện cho thấy việc đánh giá kết quả của ngành nông nghiệp có vấn đề chưa chính xác, từ đó xem xét lại để có mục tiêu, giải pháp phù hợp khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Hay như ở huyện Gia Lâm, các đại biểu cho rằng, việc phát triển chợ nông thôn là cần thiết, nhưng lưu ý khi đầu tư xây dựng, huyện nên khảo sát, thẩm định thực tế, bảo đảm hiệu quả khi đưa chợ vào sử dụng, bởi trước đó, một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, như các chợ: Dương Quang, Kiêu Kỵ, chợ Vàng Cổ Bi...  Ở quận Thanh Xuân, các đại biểu cho rằng, xu thế tới đây nhiều doanh nghiệp phải di dời khỏi địa bàn, đề nghị quận chủ động trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ để khai thác lợi thế. Cùng với đó, có cơ chế đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế… để tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch…
 
Phát huy trí tuệ toàn dân trong phản biện xã hội - Ảnh 1

 

Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình trao thưởng cho MTTQ các cấp có thành tích trong công tác năm 2012. Ảnh: Anh Quý

Với tinh thần dân chủ, cầu thị, lắng nghe, huyện Từ Liêm đã dành tới hai ngày để các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện Kế hoạch phát triển  KT - XH của huyện. Kết quả có tới 27 ý kiến trao đổi, đề nghị huyện làm rõ những giải pháp về phát triển kinh tế, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, GPMB, cải cách hành chính… Các ý kiến đồng tình với quan điểm, mục tiêu tăng trưởng là cần thiết, song cần quan tâm phát triển chiều sâu (công nghiệp sạch, có trình độ, hàm lượng chất xám cao…) TS Trần Thành Công (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT - XH Hà Nội) cho rằng, năm 2013, Luật Thủ đô có hiệu lực, Từ Liêm nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, vành đai xanh, vì vậy huyện cần có giải pháp cụ thể về quản lý dân cư,  phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề;  tăng cường hỗ trợ  doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Tham gia góp ý kiến phản biện, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo đề nghị huyện đánh giá sâu, hiệu ứng xấu về kinh tế, như hàng tồn kho, nợ xấu, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể… để "nhận diện" được tình hình thực tế ở địa phương, từ đó có các giải pháp khắc phục và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, khai thông thị trường bất động sản… tăng cường các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính… nâng cao niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thực hiện các mục tiêu nêu trên.

Có thể nói, thông qua công tác phản biện, đã giúp chính quyền quận, huyện hoàn thiện kế hoạch, mục tiêu phát triển KT - XH để có giải pháp khả thi, tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.