Quy chế bao gồm 3 chương, 16 điều, quy định chi tiết các nội dung, phạm vi, đối tượng và nguyên tắc thực hiện. Việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở nhằm mục đích bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động công vụ, xây dựng phong cánh ứng xử chuẩn mục của cán bộ, công chức, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công sở là nơi cán bộ, công chức hàng ngày tiếp xúc và giải quyết những công việc liên quan đến người dân. Vì vậy từ nề nếp đến phong cách làm việc và thái độ tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức để ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và hiệu lực quản lý nhà nước. Bên cạnh những yếu tố mang tính chuyên môn thì yếu tố văn hóa công sở giữ một vai trò rất quan trọng đến hiệu quả giải quyết công việc. Môi trường làm việc, thái độ phục vụ, cách thức giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí bình đẳng, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa cơ quan hành chính với công dân, tạo nên nét đẹp văn hóa của một nền hành chính hiện đại. Trải qua 6 năm thực hiện Quyết định số 129 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế văn hóa công sở, trên địa bàn huyện Từ Liêm đã cơ bản đạt kết quả khá toàn diện, nổi bật trên các mặt: Về trang phục khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ bản tốt, đảm bảo gọn gàng, lịch sự, phù hợp với bản sắc văn hóa. Việc quy định lễ phục trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, nghiêm túc. Việc đeo thẻ của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ dần đi vào nề nếp, nhất là những bộ phận có quan hệ làm việc thường xuyên với tổ chức, công dân. Đại bộ phận cán bộ, công chức có giao tiếp, ứng xử đúng mục với nhân dân, đúng mực khi trao đổi, hợp tác làm việc với đồng nghiệp. Văn hóa giao tiếp khi sử dụng điện thoại có chuyển biến tích cực, các công sở đều bố trí người hướng dẫn và nơi trông giữ xe cho người dân đến giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở còn nhiều hạn chế thể hiện trên các phương diện: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhất là trụ sở làm việc ở cấp xã còn nhiều thiếu thốn, xuống cấp chưa được xây dựng, sửa chữa kịp thời. Việc bài trí trong công sở hiện nay vẫn chưa thể hiện được một nền hành chính dân chủ, hiện đại và gần dân. Ở không ít công sở vẫn còn diễn ra cảnh tượng nơi làm việc nhếch nhác, lộn xộn, thiếu biển chỉ dẫn lối đi và sơ đồ hướng dẫn giải quyết công việc. Một bộ phận cán bộ, công chức tác phong làm việc còn tùy tiện, tính kỷ luật yếu kém, bớt xén giờ làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân… Thực trạng trên cho thấy, chúng ta còn thiếu các chuẩn mực về văn hóa công sở và các chế tài xử lý vi phạm; thiếu đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, công chức. Để giải quyết điều đó, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Một là, rà soát lại các cơ sở vật chất đã xuống cấp, thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo môi trường làm việc và cảnh quan hành chính. Hai là, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Yếu tố nhận thức là vấn đề then chốt để mỗi cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân hiểu được vai trò, trách nhiệm. Cán bộ, công chức phải hiểu được trách nhiệm của chính mình là phục vụ nhân dân, những người đang nộp thuế trả lương cho mình và từ đó nâng cao các hành vi văn hóa công sở, thay đổi quan niệm, cung cách làm việc, thay đổi nhận thức và suy nghĩ về thái độ, hành vi ứng xử với nhân dân, tiến dần đến chuẩn mực nền hành chính “ chuyên nghiệp và hiện đại”. Ba là, mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng Quy chế văn hóa công sở riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị mình. Quy chế phải cụ thể có tính khả thi, có tiêu chí và biện pháp đảm bảo thực hiện để mọi người phấn đấu; thưởng phạt công khai những người làm tốt và chưa tốt. Đồng thời cần đưa ra thảo luận thường xuyên trong nội bộ cơ quan về nội dung của quy chế để mọi người dần có ý thức, trở thành nề nếp, thói quen. Thực hiện các giải pháp trên mới duy trì được nề nếp văn hóa ở công sở và đáp ứng được mong mỏi của người dân khi đến các cơ quan công quyền. Như vậy cũng là một cách học tập và làm theo lời Bác “Cán bộ là những công bộc tận tụy của nhân dân” và “ Người cán bộ cách mạng phải kính trọng, lễ phép với nhân dân”.