Phát huy vai trò trung tâm của người dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lấy dân là gốc”, tại Hà Nội, trong cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, nhiều giải pháp, chính sách đã giúp củng cố niềm tin của người dân.

Chốt cơ động phòng chống dịch Covid-19 tại khu dân cư văn hóa số 5 phường Cống Vị, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Mỗi người dân là một chiến sĩ
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách vô cùng giản dị và đầy hình ảnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Trước những khó khăn, phức tạp của đại dịch Covid- 9, tư tưởng đó càng được thấm nhuần. Người dân được xác định là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi kiểm tra tại cơ sở đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể phải quán triệt phương châm “dân là gốc”, huy động sức mạnh Nhân dân tham gia phòng, chống dịch. Lực lượng chủ lực phòng, chống dịch còn mỏng, cuộc chiến đấu chống dịch còn dài lâu, nếu không có sức dân thì không thể duy trì được thế trận. Muốn duy trì được khả năng kiểm soát dịch từ gốc, không gì tốt bằng Nhân dân tự quản, tự giám sát.

"Mỗi người dân là một chiến sĩ" - câu khẩu hiệu này cũng đã trở thành suy nghĩ và hành động của mỗi người trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch được thể hiện rõ khi các “vùng xanh” ngày một mở rộng trên khắp địa bàn TP.

Chia sẻ về mô hình tự quản “vùng xanh”, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Trọng Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường có 11 tổ dân phố xanh. Tổ trưởng tổ tự quản là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, các thành viên là cán bộ tổ dân phố, người dân tại tổ. Hầu hết người dân trên địa bàn đồng thuận, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, từ những cá nhân xanh, gia đình xanh, làng, xóm ngõ xanh để tiến tới tổ dân phố xanh.

Bí thư Đảng ủy phường Bưởi, quận Tây Hồ Phạm Xuân Đức chia sẻ: “Như Bác Hồ đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"… những nhiệm vụ tưởng rằng như khó thực hiện đã được chính quyền, Nhân dân trên địa bàn hoàn theo đúng yêu cầu đề ra” .

Chăm lo đời sống người dân

Phát huy vai trò “dân là gốc” trong phòng, chống dịch, việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không để ai có hoàn cảnh khó khăn không được hỗ trợ” cũng đặc biệt được TP Hà Nội chú trọng. Từ TP đến các quận, huyện đã triển khai nhiều chính sách phù hợp để giúp đỡ người dân trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, TP nhanh chống triển khai kịp thời đến từng đối tượng. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện kêu gọi, vận động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Qua đó đã thiết thực hỗ trợ các gia đình, người lao động mất việc làm, sinh viên xa quê đang sinh sống ở Hà Nội có thêm nguồn lương thực, thực phẩm để giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội.

Đã có nhiều tài khoản, nhóm Facebook, Zalo được lập nên với mục đích chia sẻ thông tin về điểm hỗ trợ, người cần hỗ trợ... Chính việc giải quyết được những vấn đề khẩn cấp đặt ra trong thực tiễn, bảo đảm an sinh xã hội, đã thể hiện được sự chia sẻ, thấu hiểu. Đồng thời, những hành động đẹp được lan tỏa giúp cho người dân cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực để phòng chống dịch Covid-19 và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần