Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, huyện Thạch Thất nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc - vùng đất cổ, được thiên nhiên ưu đãi, nơi “Địa linh nhân kiệt” của xứ Đoài, có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược an ninh, quốc phòng.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với sự thay đổi nhiều lần về tên gọi và địa giới hành chính khác nhau, nhưng những giá trị lịch sử về văn hóa, con người, tiêu biểu như: Chùa Tây Phương; Danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan và những sự kiện lịch sử về các cuộc tập hợp, dân binh dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, những anh hùng và Nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, góp phần gìn giữ giang sơn, bờ cõi, đã khẳng định truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, kiên cường cách mạng, bất khuất hiên ngang của nhân dân trong huyện kể từ khi hình thành vùng đất, con người Thạch Thất đến nay.
Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15/6/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền huyện trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thời điểm ấy, mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện bị địch tạm chiến, lập tề, chúng tổ chức hàng trăm đợt càn quét, vây bắt cán bộ, đảng viên, tra tấn, đánh đập Nhân dân, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng kiên cường của quân và dân huyện Thạch Thất.
Ngày 13/7/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh từ mọi ngả đường quân, dân các xã trong huyện, với khí thế cách mạng dâng cao, đã đổ về đánh chiếm Bốt Chi quan - căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn huyện. Huyện Thạch Thất hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ một huyện với quy mô dân số nhỏ, đến cuối năm 2023, huyện Thạch Thất tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 15,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 1.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người huyện đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.
Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, 3 xã đạt chuẩn NTM kiễu mẫu; năm 2024 phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Hạ Bằng, Đồng Trúc và 2 xã Phùng Xá, Lại Thượng đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp; bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc; sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ giàu tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống, toàn huyện chỉ còn 22 hộ nghèo, bằng 0,039%, hộ cận nghèo còn 1.680 hộ, bằng 2,95%.
Bên cạnh đó, việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện ngày càng được chú trọng, quan tâm.
Đến nay toàn huyện đã hỗ trợ di chuyển được 70 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang huyện; giải quyết được 16.528 trường hợp người có công; phụng dưỡng Mẹ Việt nam Anh hùng; giải quyết chế độ trợ cấp đối với 13.306 trường hợp tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng được 254 căn nhà tình nghĩa, cải tạo sửa chữa Đền thờ liệt sĩ huyện, 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã và 18 nhà bia tưởng niệm ở các xã, thị trấn, đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức, trong những năm tới, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thạch Thất với định hướng quy hoạch là Thành phố phía Tây của Thủ đô, là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao, hữu cơ, sinh thái.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, huyện Thạch Thất là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, đặc trưng của văn hóa Xứ Đoài; là nơi sinh ra những người con ưu tú, hiếu học, trưởng thành, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tiêu biểu như: Trong thời phong kiến đã có nhiều người đỗ đại khoa, làm quan giúp dân, giúp nước như Tiến sĩ, danh nhân Phùng Khắc Khoan;
Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã có hàng vạn người con của quê hương lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường trong cả nước; nhiều người đã trở thành những tướng lĩnh, những sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; tự hào là một huyện có số lượng các vị tướng cao nhất trong các huyện thuộc TP Hà Nội (có 24 vị tướng) và đứng thứ hai sau huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (30 vị tướng).
"Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi nhiệt liệt chúc mừng và ghi nhận, đánh giá rất cao những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng như những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong suốt 70 năm qua" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội mong muốn huyện Thạch Thất tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết đại hội 24 Đảng bộ huyện; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người, nhất là các đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại.