Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 13/9, tại Hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến khẳng định, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

Trong 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê tại thời điểm trước năm 2003, đến nay, còn 372 cơ sở đang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Nhiều địa phương đã chủ động tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh khác.

Tuy nhiên, đánh giá công tác này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến thừa nhận, công tác xử lý ô nhiễm triệt để chưa hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, bởi nguồn lực chưa đủ mạnh. Nhận thức về bảo vệ môi trường tại một số bộ, ngành và địa phương vẫn còn hạn chế. Vẫn còn diễn ra tình trạng cơ sở chây ỳ, không tích cực xử lý ô nhiễm mà có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, để kêu gọi đầu tư, một số địa phương đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý. Đến nay, còn 3 địa phương (Đắk Nông, Hà Nam, Hưng Yên) chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
 
Phạt nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh). Ảnh: Thái San

Tăng cường tuyên truyền, phạt mạnh

Để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đại diện nhiều tỉnh, thành cho biết đã tăng cường công tác tuyên truyền trên địa bàn, đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, để doanh nghiệp có biện pháp khắc phục và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm.

Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. "Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chỉ còn một cơ sở là Bệnh viện Đống Đa đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Trong số 24 cơ sở đã cơ bản xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm, có 23/24 cơ sở được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, một cơ sở đang hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận theo quy định" - ông Khánh chia sẻ.

Để tăng cường hiệu lực pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, trước đây, mức xử phạt tiền tối đa theo Nghị định 117 là 500 triệu đồng, nhưng các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Theo dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính đang đề xuất để Chính phủ và Quốc hội xem xét, các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt lên tới 2 tỷ đồng. Mục tiêu của kế hoạch là tiến hành xử lý kiên quyết, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, bảo đảm sau năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường (C49) đánh giá, khi các cảnh sát môi trường kiểm tra 10 cơ sở, có tới 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Có những cơ sở không những xả thải vào ban đêm, mà xả thải cả vào ban ngày. Về thẩm quyền, cảnh sát môi trường chỉ phạt mức 10 triệu đồng khi bắt quả tang cơ sở vi phạm. Vì vậy, một số doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm môi trường, chấp nhận phạt bởi mức phạt đó không đáng kể.