Nhiều tài xế bị phạt và tước bằng lái gần một năm theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ - CP áp dụng từ 1/1/2020. Ảnh: Văn Trọng |
Hiệu ứng tích cực
Đáng chú ý nhất trong Nghị định 100/2019/NĐ - CP là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên “0”. Theo đó, hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt rất nặng: Từ 2 - 8 triệu đồng đối với xe máy; từ 6 - 40 triệu đồng đối với ô tô, tước bằng lái đến 2 năm. Thậm chí, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện cũng có thể bị phạt tới 800.000 đồng với hành vi này.
Chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã đủ mạnh, tuy nhiên, mức phạt càng cao càng dễ nảy sinh tiêu cực. Hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế vi phạm say xỉn khi lái xe còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nghiêm túc, quyết liệt của lực lượng chức năng. Chuyên gia giao thông Nguyễn Tuyển |
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban ATGT quốc gia lựa chọn chủ đề năm 2020 là "Đã uống rượu, bia - không lái xe". “Sử dụng rượu, bia khi lái xe là hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến ATGT, có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, cần xử lý triệt để. Việc siết chặt quy định hy vọng sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông xuống từ 5 - 10% trong năm 2020” - ông Hùng nhận định.
Thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong ít ngày vừa qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền hơn 816 triệu đồng. Đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hàng loạt người vi phạm đã phải chịu mức phạt trước nay chưa từng có. Một người bị xử phạt gần “kịch khung” với lỗi vi phạm nồng độ cồn (xin giấu tên) chia sẻ: “Tôi bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái gần 2 năm. Tôi sợ đến già luôn, không dám vi phạm nữa”.
Tuy nhiên, thực tế qua 5 ngày ra quân, một số tài xế ô tô đã sử dụng "chiêu" bỏ lại xe, không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của cơ quan chức năng, với hi vọng không có bằng chứng để chứng minh nồng độ cồn vượt mức quy định thì cảnh sát giao thông sẽ không có căn cứ để xử lý lỗi này. Điển hình, khoảng 22 giờ ngày 3/1, tại điểm kiểm tra trên đường Lê Nin (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng chiếc ô tô 4 chỗ màu đen để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, tài xế có biểu hiện say xỉn đã ra khỏi xe, chốt khóa cửa và bỏ đi.
Kiên quyết xử lý
Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng đội Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều cơ quan, công ty và người dân tổ chức liên hoan, tổng kết và gặp gỡ, không tránh khỏi việc sử dụng rượu, bia. Đây cũng là giai đoạn nhiều tai nạn giao thông xảy ra nhất trong năm. Với mức xử phạt rất cao cùng sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng CSGT, rất nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình; chuyển biến trong ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ cũng rõ rệt hơn.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, mức phạt trên là tương đối cao và cứng nhắc. Anh Dương Trung Kiên (trú tại khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, quy định về nồng độ cồn tối thiểu là 0,25mg/l như trước đây là hợp lý hơn vì đôi khi sử dụng rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau kiểm tra vẫn “dính”, trong khi cơ thể hoàn toàn tỉnh táo”.
Ngoài ra, có người còn lo ngại việc ăn hoa quả, sinh tố hay uống thuốc cũng có thể có hơi men, dẫn đến kết quả kiểm tra nồng độ cồn không chính xác. Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các loại thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối, vải... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. Sau khi ăn, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước hoặc đi lại chừng 15 - 20 phút là lượng cồn này không còn lưu lại trong hơi thở. Xác suất người dân vừa ăn xong thực phẩm chứa cồn liền bị CSGT kiểm tra cũng là rất nhỏ. Mặt khác, lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ về những thông tin này, bằng các biện pháp nghiệp vụ có thể dễ dàng phân biệt được đâu là hơi cồn do bia rượu và đâu là hơi men do hoa quả. Người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng, nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường sẽ không bị xử phạt.
Một vấn đề khác cũng được dư luận rất quan tâm là loại bỏ “xin - cho” khi xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, Trung tá Vũ Văn Hoài khẳng định: "Sử dụng rượu, bia khi lái xe là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời gây ra rất nhiều rủi ro cho chính bản thân và những người khác. Do đó, chúng tôi luôn luôn mong muốn người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về trật tự, ATGT; đã uống rượu, bia thì không lái xe. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý nghiêm, không có ngoại lệ".