Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt nặng mới ngăn chặn được vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Có thể nói mức xử phạt các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... ở ta vẫn nhẹ. Ở nhiều nước, họ phạt đến mức cơ sở sản xuất đó sập tiệm, chủ vào tù.

Phạt nặng mới ngăn chặn được vi phạm - Ảnh 1Theo hướng này, chúng ta cần mạnh tay xử phạt để đối tượng vi phạm không thể tái sản xuất, xử lý hình sự với vụ việc quy mô lớn và đặc biệt nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng (NTD)”,  đây là quan điểm của ông Phạm Bá Dục - Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội (HATAP) khi trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị.

Hiện nay, tem chống hàng giả, con dấu bảo đảm vệ sinh ATTP... cũng bị làm giả. Hội có đề xuất giải pháp nào để giúp NTD dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả?

- Chúng tôi đã đề xuất và đang triển khai phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để tiến hành dán tem có tích hợp tin nhắn SMS để chống giả, NTD muốn kiểm tra hàng do ai sản xuất chỉ cần cào số seri trên tem và nhắn tin đến tổng đài để kiểm tra. Bằng cách này, cơ quan quản lý cũng có thể đánh giá sản phẩm là hàng thật hay giả, DN bị làm giả sản phẩm có căn cứ để khởi kiện. Hiện, Hội đã làm xong với mặt hàng mũ bảo hiểm. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành với mặt hàng rượu bằng công nghệ tiên tiến hơn khi sử dụng tem điện tử kèm cả mã số mã vạch.

Ngoài ra, Hội đã sản xuất và phối hợp với DN sản xuất tem chống hàng giả. Hiện có nhiều cơ quan sản xuất tem chống hàng giả, các DN cũng tự làm tem chống hàng giả của riêng mình nhưng họ không có điều kiện thường xuyên theo dõi và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Còn với HATAP, trước khi dán tem chống hàng giả, chúng tôi đã kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến chất lượng hàng hóa. Khi xảy ra việc làm giả tem và nhái hàng hóa thì Hội có điều kiện phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý kịp thời.

Theo đánh giá của ông thì các DN đã thực sự vào cuộc để tự bảo vệ mình? Đã có DN nào chủ động liên hệ phối hợp với Hội để triển khai việc ngăn chặn và xử lý hàng giả, hàng nhái?

- Để làm tốt công tác phòng ngừa, chống hàng giả hiện nay thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước phải đồng bộ và có tính khả thi cao. Hai là, các lực lượng thực thi phải có sự phối hợp và nêu cao trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm. Ba là, DN sản xuất phải chủ động bằng các giải pháp cụ thể để ngăn chặn việc làm giả hàng hóa của mình.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, các lực lượng phối hợp cũng chưa tốt, riêng xử phạt vi phạm trong lĩnh vực SHTT có 5 cơ quan là Công an – QLTT - Thanh tra chuyên ngành - Hải quan - Bộ đội Biên phòng, tuy nhiên không có cơ quan nào chủ trì cho nên có hiện tượng đùn đẩy, né tránh lúc gặp khó khăn.

Có một số DN đã chủ động tích cực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, song một số DN lại giấu giếm, không muốn nhờ đến Hội và cơ quan chức năng vì e ngại ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm.

Ông có lời khuyên nào dành cho các DN?

- Chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT là một cuộc chiến trường kỳ, do đó, các DN phải tăng cường quản lý các đại lý, kênh phân phối của mình, đặc biệt phải đầu tư một bộ phận chuyên khảo sát, kiểm tra thị trường để phát hiện cơ sở làm hàng giả hàng hóa của mình, trên cơ sở đó thông báo với cơ quan quản lý để kịp thời xử lý. Thường xuyên thông tin với các cơ quan chức năng như: Công an, Thanh tra chuyên ngành, QLTT... Ngoài ra, các DN cần chủ động đăng ký quyền SHTT cho sản phẩm hàng hóa và thương hiệu của mình để khi xảy ra tranh chấp nhãn hiệu, hoặc phát hiện hàng giả thì có quyền khởi kiện tới cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Phía Hội luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin và hỗ trợ DN trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi NTD và DN làm ăn hợp pháp.

Xin cảm ơn ông!