Năng suất lúa đạt từ 6 – 6,5 tấn/ha
Vụ Xuân 2020, bà Nguyễn Thị Thư ở thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) canh tác 5 sào lúa giống Japonica. Kết quả, bà thu về hơn 6,2 tấn lúa/ha, cao hơn khoảng 1,5 tấn/ha so với một trong những giống lúa có thương hiệu tốt nhất hiện nay là Bắc Thơm số 7 của mùa vụ trước đó. Không chỉ gia đình bà Thư, 341 hộ nông dân là thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Mỹ (xã Tự Lập) cũng được hưởng lợi khi tham gia mô hình canh tác lúa Japonica chất lượng an toàn do Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội triển khai trong vụ Xuân 2020.
Trên cơ sở đánh giá kết quả vụ Xuân, dự kiến trong vụ Mùa 2020, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica trên diện tích khoảng 1.061ha, tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất giống lúa này theo hướng hàng hóa. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa |
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Mỹ Nguyễn Ngọc Trình cho biết, khi tham gia mô hình, xã viên được hỗ trợ 50% giống lúa Japonica và 50% chi phí vật tư, phân bón. Bên cạnh đó, còn được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Vụ Xuân 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội triển khai xây dựng được 20 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa tại 16 xã của 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh và Sóc Sơn, với tổng diện tích 859ha. Đánh giá sơ bộ kết quả sản xuất vụ Xuân 2020 cho thấy, năng suất đối với diện tích lúa Japonica canh tác theo tiêu chuẩn Việt Nam đạt khoảng 6 – 6,5 tấn/ha.
Liên kết đầu ra bền vững
Là giống lúa mới đến từ Nhật Bản, tuy nhiên, chỉ sau vài vụ mùa, Japonica đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Giá trị trên 1ha canh tác giống lúa này trong một vụ đạt khoảng 60-65 triệu đồng. So với giống lúa Bắc Thơm số 7, hiệu quả sản xuất cao hơn từ 14 – 15 triệu đồng/ha (tức là cao gấp khoảng hai lần). Mặc dù vậy, bài toán tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa Japonica vẫn được đặt ra khá nan giải. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đơn vị đã phối hợp với phòng kinh tế các địa phương liên kết với các tổ chức, DN để bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có 6 đơn vị đăng ký tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica cho bà con. Dù vậy, nông dân tại một số vùng canh tác vẫn băn khoăn về giá thu mua.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, bài toán tiêu thụ là khâu then chốt trong phát triển bền vững vùng lúa Japonica chất lượng, an toàn. Chính vì vậy, Sở đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Gạo Japonica Mỹ Thành” (huyện Mỹ Đức) và “Gạo Japonica Nam Phương Tiến” (huyện Chương Mỹ), từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương sản phẩm này.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của TP, tổ chức, DN, hợp tác xã, tăng cường xúc tiến thương mại; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Trong đó, chú trọng kết nối với các đơn vị ngay từ đầu vụ để các bên cùng tham gia giám sát, bảo đảm an toàn chất lượng và tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.