Vùng đất trăm nghề bứt phá
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: "Là đất trăm nghề với hàng trăm làng có nghề, trong đó 43 làng được TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, Phú Xuyên có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bởi vậy, những năm gần đây, UBND huyện xác định phải tập trung đầu tư xây dựng CCN, CCN làng nghề".
Toàn huyện có 4 CCN đầu tiên, gồm: CCN làng nghề Phú Túc 6,19ha, CCN làng nghề Đại Thắng 7,37ha, CCN làng nghề Phú Yên 10,5ha và CCN làng nghề Vân Từ 6,59ha đang được chủ đầu tư gấp rút xây dựng các hạng mục. Cùng với đó, huyện Phú Xuyên đang đề nghị TP thành lập 3 CCN mới ở xã Phượng Dực, Sơn Hà, Văn Hoàng.
Đối với các CCN đang thi công được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, như: đấu nối đường gom, đường nội bộ, điện, nước, cây xanh, nhà trưng bày sản phẩm... Phương án PCCC cũng được doanh nghiệp, hộ sản xuất trong CCN triển khai thực hiện. Các CCN đều quy hoạch bố trí diện tích đất xây dựng công trình công cộng, khu luyện tập thể dục thể thao.
Dự kiến 4 CCN đầu tiên trên địa bàn Phú Xuyên sẽ thu hút khoảng 300 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Việc phát triển CCN sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, do vậy huyện Phú Xuyên tiếp tục xây dựng thêm 3 CCN mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: "Với địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như Phú Xuyên thì các CCN và CCN làng nghề giữ vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của làng nghề. Trước tiên, các CCN làng nghề góp phần giải quyết khó khăn về mặt bằng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các địa phương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm an toàn PCCC và ANTT. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương".
Tạo việc làm cho người lao động
Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Trương Vinh Quang chia sẻ, không chỉ quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư CCN còn bố trí quỹ đất làm khu luyện tập thể dục thể thao, sắp xếp khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và các dịch vụ khác phục vụ khách tham quan và người lao động. Mục đích, góp phần khai thác tiềm năng du lịch làng nghề.
Thực tế hiện nay, huyện Phú Xuyên đang có khoảng 800 doanh nghiệp, công ty đang hoạt động sản xuất giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương. Đa phần các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ yếu ở gần hoặc nằm trong khu dân cư do đó không đảm bảo điều kiện hoạt động, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao.
Do vậy, việc gấp rút hoàn thiện 4 CCN và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng thêm 3 CCN khác để khởi công trong năm 2024 là việc làm cấp thiết được Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên đề ra. Theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2030 đã được Bộ Công Thương chấp thuận và TP phê duyệt, toàn huyện Phú Xuyên sẽ được đầu tư xây dựng 11 CCN.
Do đó, huyện Phú Xuyên tiếp tục kêu gọi xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công các CCN. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng CCN tại các làng nghề có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hoặc những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhằm di dời các hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành xây dựng các CCN đầu tiên trên địa bàn, huyện Phú Xuyên cần đôn đốc các cơ quan, chủ đầu tư hoàn thành công tác GPMB, di chuyển công trình ngầm nổi và thi công các hạng mục trong CCN. Cùng với đó, TP chỉ đạo các sở, ngành gấp rút điều chỉnh quy hoạch, xem xét ban hành quyết định giao đất cho chủ đầu tư theo quy định…