KTĐT - Theo mục tiêu của Đề án Phát triển DVMT đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) là để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường khi mà ngày càng đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết đối với nước ta hiện nay.
Xác định được yêu cầu nhiệm vụ trên, theo mục tiêu của Đề án Phát triển DVMT đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) là để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đề án đặt ra 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về DVMT. Theo đó, sẽ tổ chức xây dựng, thực hiện "Chiến lược phát triển DVMT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Thứ hai, phát triển doanh nghiệp DVMT và thị trường DVMT ở Việt Nam. Cụ thể, quy hoạch mạng lưới doanh nghiệp DVMT trong phạm vi cả nước; phát triển một số doanh nghiệp nhà nước về DVMT đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, phức tạp của đất nước; hình thành và vận hành thống nhất thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các quy định của WTO.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực về DVMT.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, giải pháp hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phát triển DVMT cho các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển DVMT. Theo đó,v tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng DVMT được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn; ưu đãi về tín dụng; trợ cấp; miễn giảm thuế, phí ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển DVMT; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn đầu tư khác từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường khi mà ngày càng đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng đang phải cam kết thực hiện ngày càng nhiều hơn các quy định quốc tế về môi trường… Đặc biệt sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cam kết về mở cửa thị trường DVMT ở 5 phân ngành trong WTO (Dịch vụ xử lý nước thải; Dịch vụ xử lý rác thải; Dịch vụ làm sạch khí thải; Dịch vụ xử lý tiếng ồn và Dịch vụ đánh giá tác động của môi trường). Do vậy, phát triển DVMT đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết ở Việt Nam. Nhu cầu này mang tính khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế nước ta hiện nay. Trong khi đó, lĩnh vực DVMT nước ta còn kém phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, năng lực cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp, khu vực tư nhân tham gia chưa nhiều vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này chưa hoàn thiện, thị trường DVMT mới manh nha, phân tán, mức độ độc quyền còn cao, Nhà nước vẫn phải bao cấp lớn cho hoạt động bảo vệ môi trường… Trong bối cảnh đó, việc định hướng chiến lược phát triển dịch vụ môi trường sẽ một mặt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh DVMT trong nước có đủ thời gian và những lợi thế để phát triển, mặt khác thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ kinh nghiệm để bổ sung nguồn lực phát triển lĩnh vực này. |