Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 16/11, Bộ Xây phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức chuỗi hội thảo chào mừng Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 với các nội dung: Nâng cao chất lượng quy hoạch; Phát triển hệ thống hạ tầng, chỉnh trang, tái thiết; Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị.

Năm 2022 được đánh dấu với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công tác đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP với các nhóm hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW... Do đó, phát triển đô thị được Đảng, Chính phủ xác định là vấn đề mang tính cấp thiết của thời đại.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến tháng 9/2022, Việt Nam đã có 888 đô thị, chiếm 41,5% dân số cả nước. Các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng. Đặc biệt, sau những tác động mạnh của thiên tai, dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là nền tảng trung tâm, hình thành cơ hội mới, cung cấp giải pháp thúc đẩy hoạt động phục hồi kinh tế.

“Qua thực tiễn sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị chưa được quan tâm và có kế hoạch tổng thể để thực hiện. Nguồn lực phát triển đô thị còn thiếu, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa; tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu còn hạn chế... Vì vậy, cần phải có giải pháp để thích ứng với những thách thức nêu trên” - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái nhìn nhận.

Chuỗi hội thảo chuyên đề hướng tới chào mừng Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 tập trung vào một số nội dung, gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững, tập trung đi sâu phân tích, đánh giá, thảo luận các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TW;

Đổi mới tư duy, lý luận, phương pháp quy hoạch đô thị; Yêu cầu bảo đảm để quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại, lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm; Văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; Kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế đô thị, đồng thời với quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.

Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp thích ứng với những thách thức trong quá trình phát triển đô thị.
Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp thích ứng với những thách thức trong quá trình phát triển đô thị.

Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị cần phải tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị;

Đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các khu vực nghèo, phi chính thức, khu vực có điều kiện hạ tầng hạn chế để góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy hòa nhập đô thị;

Các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị... cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị cần được thúc đẩy; Việc triển khai hạ tầng số tại đô thị phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có.

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị sẽ tập trung tọa đàm về sự phối hợp vào cuộc của cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị; Cơ chế chính sách mang tính đột phá tạo đòn bẩy để phát triển đô thị bền vững; Luật quản lý, phát triển đô thị, phạm vi điều chỉnh của công tác quản lý phát triển đô thị, giải pháp về cơ chế chính sách phát huy vị thế, nguồn lực đổi mới, sáng tạo của đô thị Việt Nam...

Bên cạnh đó là những yêu cầu về đổi mới tạo cơ chế chính sách phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương nhằm gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển đô thị. Từ đó, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới, để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với đặc điểm của vùng miền, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân.