Lợi thế địa lý
Cà Mau hiện có tổng diện tích tự nhiên 527.451 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý 143.683 ha, diện tích có rừng tập trung 94.081 ha. Rừng ở Cà Mau là loại hình sinh thái đặc thù, rừng sinh thái ven biển ngập mặn được phân bố dọc ven biển với chiều dài 254 km, với đất rừng ngập mặn 97.940 ha và đất rừng trên đảo 571 ha, chiếm 77% diện tích rừng ngập mặn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bên cạnh đó, hệ sinh thái ngọt với rừng tràm nằm sâu trong lục địa, phân bổ ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình quy mô 45.172 ha. Hiện tổng diện tích đất có rừng ở Cà Mau là 93.093 ha. Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã hình thành nên các điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng.
Với mục tiêu vừa làm kinh tế du lịch, vừa gắn với bảo vệ “lá phổi xanh” theo hướng phát triển bền vững đã tạo được nhiều hiệu quả ban đầu từ những lợi thế về địa lý. Theo đó, lợi thế ở mỗi hệ sinh thái rừng ngọt – mặn, đều có những đặc điểm và giá trị khai thác du lịch khác nhau, nhưng đều gắn chặt với rừng.
“Bảo vệ sản vật là bảo vệ rừng. Có sản vật có rừng, có rừng mới có nơi sản vật sinh sản trú ngụ, có rừng - có sản vật mới có khách đến du lịch. Có khách mới có thêm nguồn thu tái tạo bảo vệ rừng. Đó là mối quan hệ quan trọng để phát triển du lịch dưới rừng hiện nay” - ông Phạm Văn Ngọt (chủ khu du lịch Mười Ngọt) ở ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau nói.
Mát xanh U Minh hạ
Những cánh rừng của vùng U Minh hạ với hệ sinh thái ngọt trải dài qua 3 huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời. Trước kia, U Minh hạ gắn liền với tác phẩm “Đất rừng Phương Nam” , thì nay đã gắn liền với hàng chục cái tên khu du lịch nổi tiếng nơi đây như Sông Trẹm, Hương U Minh, Vườn quốc gia U Minh hạ, Hương Rừng….
Tại khu du lịch Sông Trẹm ở ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, một điểm du lịch mới thành lập gần đây nhưng tính từ đầu năm, đã có hàng chục ngàn du khách đến tham quan, chủ yếu là khách đoàn.
Với diện tích rừng 40 tuổi trên 110 ha, Ban Quản lý dành 12 ha đầu tư cho phát triển du lịch. Nắm bắt nhu cầu của du khách, khu du lịch này hiện nay tạo ra được nhiều điểm mới, góp phần đa dạng sắc màu du lịch dưới tán rừng, như đầu tư tuyến đường hoa mua tím, tuyến đi bộ xuyên rừng, tuyến đường sơ ri, xuyên rừng bằng phà và vỏ máy. Du khách có thể dùng bữa trên phà, giao lưu đờn ca tài tử giữa không gian an yên giữa rừng; hoặc trải nghiệm ngồi trên võ máy lướt trên mặt nước đỏ U Minh đục ngầu, xuyên ngắm những cánh rừng.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển khu du lịch theo hướng là nơi vui chơi, nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách, để có thể níu chân được du khách khi đặt chân đến đây” - ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng ban Quản lý khu du lịch Sông Trẹm nói.
Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, ông Phạm Quốc Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết: “Những năm qua, hoạt động du lịch dưới tán rừng của 3 điểm du lịch sinh thái trên địa bàn xã phát triển tốt, lượt khách đến tham quan du lịch ngày càng tăng. Từ đó, cơ sở hạ tầng từng bước được phát triển, dịch vụ du lịch từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách, đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương."
Kỳ thú rừng ngập mặn
Đến Mũi Cà Mau nơi có khu Ramsan sinh quyển thế giới, ngoài việc “thỏa chí tang bồng, ngắm non sông liền một dãi”, du khách được ngắm nơi Tổ quốc đang dần bước dài ra biển. Nhưng để cảm nhận được nhịp đập đất nước ở nơi đây, du khách cần phải nghỉ lại qua đêm, ngủ lại dưới tán rừng đước ngập mặn, để thưởng thức vì sao hệ sinh thái tự nhiên lại khiến đất nước dài thêm mỗi ngày.
Mặc dù địa lý xa, giao thông trước kia khó khăn, nhưng từ lâu nơi đây đã hình thành các khu du lịch, đặc biệt là điểm lưu trú trong dân để phục vụ du khách. Những người dân giữ rừng xưa kia nay đã làm du lịch, qua đó vừa giữ chân du khách, có thêm kinh phí để bảo tồn phát triển rừng. Hiện các dự án du lịch cộng đồng đang thu hút lượng khách tham quan khá lớn.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần (Năm Nhuần), ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, Cà Mau có 9 ha đất rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản, gia đình xây dựng nhà sàn trên mặt nước, sàn gỗ, lợp lá tạo không gian lý tưởng để khách lưu trú. Du khách vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí mát mẻ, thưởng thức những món hải sản tươi sống đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, còn có thể bơi xuồng trong vuông tôm, được tự do câu cá, bắt ốc len, sò huyết... Sáng sớm, du khách được gia đình đưa ra bãi bồi để ngắm bình minh trên biển.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm nhiều cá, lắm rừng với hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch rừng, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau mà không phải địa phương nào trong vùng ĐBSCL cũng có được. “Hiện Cà Mau đang tranh thủ mọi nguồn lực và mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch vùng cực Nam của Tổ quốc. Trong đó, cùng với các ngành chức năng khai thác phát triển tốt du lịch dưới tán rừng trong thời gian tới” – ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.