Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế số: Doanh nghiệp Việt kêu vướng chính sách

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế nền tảng số đã và đang hiện diện rất mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những nền tảng số như Google, Facebook, Grab… đang có mặt tại rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Liệu DN Việt có thể xây dựng được những nền tảng số cho riêng mình hay “mãi là người đi sau”?

 Khách hàng tham quan các sản phẩm ứng dụng công nghệ của FPT tại một sự kiện triển lãm công nghệ. Ảnh: Khắc Kiên

Kinh tế số là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia
Kinh tế nền tảng số có khả năng tạo ra cuộc cách mạng lao động, khi mà xu hướng làm việc tự do, tự chủ và lao động theo con đường phi truyền thống sẽ tiếp tục tăng tốc. Hiện chưa có thống kê về số lao động làm việc trong các nền tảng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước khác con số này là không hề nhỏ. Theo tạp chí Foreign Policy của Mỹ, Trung Quốc có nền kinh tế nền tảng lớn nhất thế giới với hơn 110 triệu người, bao gồm cả tài xế, người trông giữ thú cưng, người dọn dẹp nhà cửa, người đưa thư..., chiếm 15% tổng lực lượng lao động (so với 10% ở Mỹ và 4,4% ở Anh)...
Khi làm Be, tôi luôn nói trong suốt 2 năm qua: Tài xế là người Việt, xe là của người Việt, đường sá đi lại là đất Việt, xăng đổ là của người Việt, tiền trả bằng VNĐ… vậy tại sao chúng ta lại bị phụ thuộc vào "tay chơi" nước ngoài?
Cựu CEO Be Group Trần Thanh Hải
Tại Việt Nam, nhiều hoạt động từ học tập, hội họp, giao tiếp đến kinh doanh, mua bán tiêu dùng, vận tải, truyền thông, các dịch vụ tài chính… đều có thể thực hiện nhờ các nền tảng số. Việc ứng dụng các nền tảng số không chỉ giúp mỗi cá nhân cảm thấy thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng hơn trong giải quyết hoặc đáp ứng các nhu cầu cá nhân của mình, mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức, DN trong hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, kinh tế nền tảng số là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia.
Chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau. Các nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng nhỏ như một hệ sinh thái. Facebook, Google, Amazon, Alibaba... là những nền tảng toàn cầu đã tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các DN nhỏ và vừa trong một hệ sinh thái chung là những ví dụ điển hình.
Thời điểm tốt để xây dựng nền tảng số
Thực tế đang đặt ra cho Việt Nam bên cạnh việc tiếp tục tận dụng, ứng dụng các nền tảng số từ bên ngoài cũng cần xây dựng cho mình những nền tảng số riêng có để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững.
Theo Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam Đỗ Hoài Nam, các nền tảng số từ bên ngoài đã giúp rất nhiều cho Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không có, không xây dựng được những nền tảng riêng thì mãi mãi sẽ chỉ là người đi sau, khả năng tự chủ theo đó sẽ giảm xuống. Vì vậy, theo ông Nam, chúng ta cần chủ động triển khai nền tảng riêng không nên phụ thuộc vào bên ngoài. Đồng tình với quan điểm này, cựu CEO Be Group Trần Thanh Hải cho rằng, hiện tại là thời điểm tốt để Việt Nam có thể xây dựng nền tảng số cho nền kinh tế. Chất xám tốt; nguồn nhân lực KHCN của chúng ta dồi dào; chúng ta có những thế mạnh riêng; và nhiều DN muốn làm, dám làm… là những yếu tố và cơ hội để chúng ta có thể xây dựng các nền tảng số.
Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, thời gian qua các DN đã mạnh dạn làm, nhưng đôi khi bị vướng bởi chính sách. Khi một DN nước ngoài có thể dễ dàng bỏ vào thị trường một vài tỷ USD thì DN Việt khó có thể cạnh tranh với họ bằng vốn, mà thay vào đó phải sử dụng nhiều yếu tố khác. Do đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc tạo cơ chế, khung pháp lý để DN dựa vào đó cạnh tranh bằng việc tạo ra giá trị tương lai thay vì dùng vốn của hiện tại để cạnh tranh. 
Ngoài ra, bản thân DN phải biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và đối thủ, tiếp cận góc độ mới, tập trung vào một vài nền tảng mạnh, có sức cạnh tranh để phát huy chứ không nên nhảy vào tất cả các nền tảng để lãng phí nguồn lực.