Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm còn nhiều trở ngại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội" do Liên minh châu Âu (Dự án EU) tài trợ từ năm 2011 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chông gai để ngành công nghiệp không khói này có thể góp phần xây dựng nền du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam.  Cần những cánh tay hợp tác Nhờ vận dụng nguyên tắc du lịch có trách nhiệm của Dự án EU vào thực tiễn, du lịch Việt đã có nhiều chuyển biến. Cả du khách và các DN du lịch đã có cái nhìn tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch. Còn ở góc độ quản lý, các vấn đề bảo vệ môi trường; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đề cao các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội cũng được bổ sung vào các chính sách, quy hoạch phát triển và quản lý du lịch...

Kinhtedothi - Dự án "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội" do Liên minh châu Âu (Dự án EU) tài trợ từ năm 2011 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chông gai để ngành công nghiệp không khói này có thể góp phần xây dựng nền du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam. 

Cần những cánh tay hợp tác

Nhờ vận dụng nguyên tắc du lịch có trách nhiệm của Dự án EU vào thực tiễn, du lịch Việt đã có nhiều chuyển biến. Cả du khách và các DN du lịch đã có cái nhìn tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch. Còn ở góc độ quản lý, các vấn đề bảo vệ môi trường; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đề cao các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội cũng được bổ sung vào các chính sách, quy hoạch phát triển và quản lý du lịch... 

 
Du khách quốc tế nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.     Ảnh: Quỳnh Anh
Du khách quốc tế nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quỳnh Anh
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, vẫn còn nhiều rào cản để có thể duy trì bền vững và đẩy mạnh hoạt động du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam. Bởi phát triển theo nguyên tắc du lịch có trách nhiệm thì tất cả các đối tác liên quan phải cam kết thực hiện và còn cần có sự ủng hộ của cả xã hội. Thực tế, có rất nhiều du khách thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tại điểm đến. Tình trạng du khách vứt rác bừa bãi tại một số bãi biển; sờ đầu rùa gây ảnh hưởng đến cảnh quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tạo dáng phản cảm tại những nơi có tính tôn nghiêm… vẫn đang diễn ra hàng ngày. Còn các DN lữ hành thì chưa muốn thực hiện Bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm cho riêng đối tượng này (đang được Tổng cục Du lịch soạn thảo). Vì theo phân tích của đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội: "Trong chuỗi dịch vụ của các công ty lữ hành còn liên quan đến rất nhiều nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ… Nếu các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác không thực hiện thì DN dù có nỗ lực cũng khó đạt các tiêu chí đã đề ra. Cho nên, khó ép DN thực hiện ngay mà phải có sự chung tay của tất cả các bên tham gia". Thế nên, muốn các DN thực hiện Bộ tiêu chuẩn này, các đơn vị liên quan như vận chuyển, nhà hàng, cơ sở lưu trú… cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm. 

Khung chính sách ở tầm quốc gia

Để duy trì bền vững và đẩy mạnh hoạt động du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, ông Hawkins Phạm - chuyên gia của Dự án EU đề xuất: "Việt Nam nên thành lập "Sáng kiến công tư - Hội đồng tư vấn du lịch". Hội đồng này hoạt động nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến du lịch có trách nhiệm thông qua việc thúc đẩy các nguồn lực công - tư của đất nước". Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí cho rằng, bên cạnh đó, lãnh đạo ngành công nghiệp không khói cần có khung chính sách du lịch có trách nhiệm được ban hành ở tầm quốc gia. Bởi lẽ, sự cam kết cùng phối hợp hành động của các đối tác và duy trì bền vững các kết quả về du lịch có trách nhiệm của Dự án EU được xem là các yếu tố then chốt để thực hiện loại hình này bền vững ở Việt Nam.

Hiện, Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm cho riêng các đơn vị lữ hành, nên các DN chưa muốn áp dụng những nguyên tắc này. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức cho biết: "Tới đây, Vụ sẽ tiếp tục soạn thảo những bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm cho các bên liên quan. Sau khi hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, chúng tôi sẽ có định hướng, chiến dịch, kế hoạch để nâng cao nhận thức xã hội và khuyến khích các bên liên quan áp dụng, hướng tới du lịch có trách nhiệm, từ đó phát triển du lịch bền vững".