Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển ngành giấy: Vướng nhiều rào cản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 ngành giấy sẽ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, hiện ngành giấy đang đối mặt với nhiều rào cản phải vượt qua.

Công nghệ lạc hậu
 

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 500 doanh nghiệp với tổng năng lực sản xuất đạt 2,075 triệu tấn giấy và 437.600 tấn bột giấy mỗi năm, nhưng lượng bột giấy sản xuất chỉ đáp ứng 21% công suất các nhà máy. Phần bột giấy thiếu được bù  bằng nguồn  nhập khẩu hoặc giấy loại ở cả trong và ngoài nước. Trong năm 2010, cả nước tiêu thụ hơn 2 triệu tấn giấy, trong đó lượng giấy nhập khẩu chiếm tới 48,2%.

Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giấy Sài Gòn: Hiện ngành giấy thiếu  trầm trọng các nhà máy công suất lớn là do không tìm được địa điểm xây dựng. Hầu hết các địa phương đều nói "không" với dự án bột giấy từ gỗ nguyên liệu do e ngại ô nhiễm môi trường.

Việc thiếu nhà máy bột giấy nguyên liệu đã gây ra nghịch lý ngành sản xuất giấy trong khi thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng lại có thừa gỗ dăm nguyên liệu xuất khẩu. Trong năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 3 triệu tấn dăm khô từ gỗ rừng trồng, trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gỗ dăm mảnh phục vụ ngành sản xuất giấy.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: Việc các địa phương từ chối xây dựng nhà máy giấy  trên địa bàn là do các  doanh nghiệp giấy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức. Với các nhà máy hiện đại, sản xuất 1 tấn giấy chỉ cần 7 - 15m3 nước, trong khi phần lớn nhà máy giấy nước ta sử dụng khoảng 30-100m3 nước/tấn giấy thành phẩm. "Mặc dù ngành giấy đã sơ bộ quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 có xét đến 2025, nhưng những tiêu chí về công nghệ lại không được đưa ra một cách cụ thể. Còn tiêu chuẩn nước thải vẫn chưa có mức quy định nào rõ ràng, đây là rào cản khiến ngành giấy không phát triển như yêu cầu đề ra", ông Dũng nêu rõ.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước thấp nhưng vốn đầu tư lớn, từ 15 - 17 triệu USD một dây chuyền sản xuất, phải mất 15 - 20 năm mới có thể hoàn vốn. Chính vì vậy, ngân hàng cũng "ngại" không muốn cho vay đối với các dự án sản xuất giấy. Trong năm 2010, ngành giấy có 8 dự án giấy được triển khai nhưng do thiếu vốn nên chỉ có 2 dự án được triển khai đúng tiến độ.

Mong sự hỗ trợ

Để quy hoạch ngành công nghiệp giấy đến năm 2020 có tính thực tiễn cao, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần có dự báo chính xác về nhu cầu và xu hướng thế giới làm tiền đề cho sự phát triển ngành giấy Việt Nam. Ông Võ Sĩ Dỏng, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần ổn định chính sách thuế đối với ngành giấy theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO. Miễn thuế cho việc thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng để sản xuất giấy. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy định chỉ sử dụng giấy có độ trắng 82 - 85 ISO đối với sách học tập, vở, giấy văn phòng để hạn chế sử dụng chất tẩy trong ngành công nghiệp này. Theo ông Phạm Văn Tụ, Ủy viên hội đồng thành viên Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp này để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất và chế biến bột giấy thông qua các dự án đầu tư 100% vốn của nước ngoài, liên doanh, liên kết… Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, đề nghị ngành Công Thương không cấp phép cho những nhà máy bột giấy ngoài quy hoạch đã được phê duyệt. Các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra định mức cụ thể về tiêu hao điện, nước trong sản xuất, lượng chất thải được phép trên mỗi tấn giấy. Đây là hành lang pháp lý khi lựa chọn hạn chế các nhà đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu từ đó tăng khả năng thuyết phục các địa phương cho phép xây dựng nhà máy chế biến giấy trên địa bàn.