Dịch vụ taxi qua điện thoại thông minh Grab taxi, Easy taxi, Uber taxi vẫn đang tiếp tục phát triển, thu hút người dùng và các lái xe taxi tham gia vào hệ thống. Tuy nhiên, hiện nay, không ít ý kiến trái chiều về dịch vụ này. Một số đại diện hãng taxi, nhà quản lý không lo ngại loại hình dịch vụ trên sẽ ảnh hưởng đến thị phần taxi, nhưng có ý kiến lại cho rằng đó là "chiêu trò" của các DN phần mềm, có dấu hiệu vi phạm luật. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của một số hãng taxi.
Kinh doanh kiểu “tầm gửi”
Trong khi có khá nhiều khách hàng, lái xe tỏ ra ủng hộ loại hình kinh doanh như Grab, Easy taxi vì họ được hưởng lợi, thì một số đại diện hãng taxi lại cho rằng đây là loại hình kinh doanh theo kiểu "tầm gửi". Nếu loại hình kinh doanh này tiếp tục phát triển mạnh, Grab taxi, Easy taxi,... không tốn một khoản đầu tư nào vào việc mua hay duy trì đội xe nhưng vẫn tạo được thương hiệu bởi "lấn át" từ các hãng taxi khác mà vẫn tạo được danh tiếng dịch vụ. Trên thực tế, đã có một số hãng taxi bất hợp tác với Grab, Easy.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ những băn khoăn về loại hình kinh doanh taxi mới này tại Việt Nam. Ông Liên cho biết: Grab taxi, Easy taxi, hay Uber taxi là những dịch vụ xuất hiện từ lâu ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam thì đây là loại hình mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dịch vụ này có hợp pháp không, có nộp thuế hay không? Có đăng ký kinh doanh không? Những vấn đề phát sinh từ dịch vụ này phải xử lý như thế nào?
Vị đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, mặc dù trước mắt, khách hàng, lái xe thấy phần nào lợi ích từ các ứng dụng. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện những loại hình dịch vụ này cũng có không ít DN bức xúc và đã có một số DN kêu cứu lên Hiệp hội Vận tải Hà Nội về hoạt động của các hình thức đặt xe qua định vị GPS này, đơn cử như taxi Hương Lúa.
Ông Đinh Văn Sáu - Chủ tịch DN taxi Hương Lúa cho rằng, hầu hết các DN làm ăn chân chính, lâu năm đã đầu tư khoản kinh phí lớn, gây dựng uy tín, hạ tầng, bến bãi, xe cộ và giấy kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp phần mềm như Grab taxi hay Easy taxi... nhảy vào kiếm lời, nghiễm nhiên điều hành trực tiếp phương tiện và người lao động của DN rồi hưởng lợi từ việc sử dụng bộ máy, thương hiệu của hãng taxi mà không cần phải hợp đồng hoặc bất cứ chi phí nào. Như vậy, xét về lâu dài sẽ khiến các DN taxi mất dần thương hiệu sau nhiều năm gây dựng.
Ông Bùi Danh Liên cũng cho biết, taxi Hương Lúa đã cấm lái xe của hãng sử dụng ứng dụng này vì lý do không quản lý được địa chỉ đón khách từ lái xe. Đây cũng là vấn đề sẽ gây khó khăn cho công tác hậu mãi và quản lý, đảm bảo quyền lợi khách hàng của DN khi xảy ra sự cố. Do đó, cần sự vào cuộc từ các cơ quan chủ quản để quản lý hoạt động vận tải thông qua hình thức, dịch vụ này có thể gây bất lợi đối với khách hàng. Lý giải về điều này, ông Liên cho biết, với loại hình vận tải taxi truyền thống thì xe phải đầy đủ các điều kiện như: đồng hồ đo km, tính tiền, phù hiệu, số điện thoại, bộ đàm, chứng chỉ tập huấn lái xe... nếu có sự cố thì DN và lái xe phải có trách nhiệm. Nhưng với các loại hình kinh doanh như Grab taxi, Easy taxi, Uber taxi nếu xảy ra trường hợp cháy, nổ thì đơn vị nào phải chịu trách nhiệm (?).
Mặc dù hiện nay, các loại hình dịch vụ taxi qua mạng đang phát triển rầm rộ, theo thống kê của Younet Media về sự xuất hiện của các thương hiệu trên mặt trận truyền thông thì Grab taxi đang dẫn đầu với tỷ lệ vượt trội là 62%, Grab taxi chiếm 21%, Uber taxi chiếm 17%. Có nhiều ý kiến đánh giá các loại hình dịch vụ taxi như Grab, Easy, Uber taxi đang là "đối thủ" của taxi, nhưng theo vị đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cạnh tranh là tốt, bởi có cạnh tranh mới phát triển tốt hơn nhưng cạnh tranh phải công bằng. Ông Bùi Danh Liên nhận định, những loại hình dịch vụ không thể chiếm lĩnh thị trường taxi truyền thống vì số lượng taxi ở Hà Nội đã bão hòa. Đặc biệt, với thói quen của đa số người dân thì vẫn thường gọi điện, đứng bắt khách; không phải ai cũng sử dụng thẻ tín dụng; am hiểu và sử dụng internet...
Thực tế, sự thuận tiện của Grab, Easy, Uber mang lại cũng chỉ đem lại cho một nhóm nhỏ thích xe xịn để đi chơi, muốn đi chung để tiết kiệm. Còn hiểm họa, sự cố, rủi ro mà khách hàng sẽ phải đối mặt thì chưa được tính đến. Và sự thật chúng ta cần phải cân bằng được lợi ích cũng như rủi ro.
Bài toán thuế
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, loại hình kinh doanh mới như: Grab, Uber, Easy taxi thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thoát do không tính toán được các khoản thuế. Bởi khi các tài xế sử dụng phần mềm, cơ quan chức năng không có căn cứ gì để buộc DN cho thuê xe hay những người lái xe tự do cá nhân phải nộp thuế cho các khoản thu. Với những xe tham gia sử dụng Grab, Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng của điện thoại. Khách hàng sẽ thanh toán qua thẻ quốc tế. Chi phí thuê xe ở dịch vụ này thường thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó đơn vị cung cấp dịch vụ hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Như vậy, 20% cước vận chuyển thu từ khách hàng DN quản lý dịch vụ Grab, Uber đặt trụ sở chính ở nước ngoài thản nhiên "đút túi".
Liên quan đến việc tính thuế đối với những loại hình dịch vụ kinh doanh mới như: Uber, Grab, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã có phương án tính thuế với dịch vụ taxi Uber để trình Bộ Tài chính xem xét. Theo đó, sẽ tính thuế GTGT trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải và ở mức là 3%. Thuế thu nhập DN trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%. Tổng cục Thuế sẽ tính toán thận trọng việc tính thuế với Uber. Nếu Uber có văn phòng đại diện, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì phải nộp thuế. Hai loại thuế mà DN phải nộp là thuế GTGT và thuế thu nhập DN... Tại buổi làm việc với đại diện Công ty Uber International Holding B.V, hai bên đã xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam gồm: Phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. Mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho DN vận tải đều do Công ty Uber International Holding B.V thực hiện. Công ty TNHH Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế.
Có thể nói, việc quản lý thuế với loại hình đặt taxi qua mạng internet sẽ không quá khó khăn. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để tính đúng, tính đủ các khoản thuế với loại hình kinh doanh còn rất mới này qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Với sự phát triển rầm rộ các loại hình dịch vụ kinh doanh qua mạng như hiện nay, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ vận tải như Grab, Easy, Uber taxi, để đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người tiêu dùng, các DN đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Loại hình kinh doanh của Grab taxi. Ảnh: Hà Thu
|
(Còn nữa)