Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển tính cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bố của con, mẹ của con, tivi của con.., cái gì trong nhà này cũng của con”, một cô bé 3 tuổi ngày nào cũng ngân nga điệp khúc ấy.

Lúc đầu, cả nhà coi đó là sự “dễ thương” nhưng cái tính “ích kỷ từ cách nói” ấy được cô bé “thực thi” trong cuộc sống và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tính ích kỷ đó được bé mang theo đến trường và hậu quả là bé không thể hòa nhập với mọi người.
Phát triển tính cộng đồng - Ảnh 1
Câu chuyện trên không phải là cá biệt. Ngày càng nhiều bậc cha mẹ băn khoăn lo lắng khi thấy sự ích kỷ của con, một thói quen không hề có lợi cho bé khi hòa nhập vào xã hội. Nhiều trẻ thường thích đặt mình là trung tâm và muốn sở hữu những đồ vật riêng, không để người khác đụng đến. Có trẻ lại không thể học được tính kiên nhẫn, ngồi đợi đến lượt mình được chơi… Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, chính cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con trẻ đức tính biết chia sẻ và không sống ích kỷ. Bởi sự ích kỷ ấy trước hết bắt nguồn từ sự nuông chiều thái quá, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ, khiến trẻ không thể nào có cơ hội học cách quan tâm đến người khác, biết nghĩ đến người khác. Trẻ sẽ say đắm trong cảm giác được tán dương, chỉ biết “nhận” mà không biết “cho”, không coi việc sẻ chia và quan tâm đến mọi người cũng là một nghĩa vụ. Đồng thời, một điều ít người nghĩ đến là việc khuyến khích trẻ tự tin và độc lập quá cũng biến trẻ trở nên ích kỷ, không quan tâm đến những người xung quanh, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân. 

Hãy luôn dạy trẻ biết quan tâm đến những người xung quanh trong mọi tình huống của cuộc sống không chỉ là một câu “sáo mòn”. Việc giúp trẻ phát triển ý thức trách nhiệm cộng đồng, hỗ trợ, tương tác với người khác bằng việc cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể, nơi có thể biểu hiện tinh thần hợp tác với bạn bè. Đồng thời, khi giao tiếp, trẻ sẽ phát triển trí tuệ, cảm xúc như nhận biết, hiểu cảm xúc của người khác, tự điều chỉnh được cảm xúc bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh và biến những cảm xúc đó thành trí tuệ. Một điều cần tránh là không nên quát mắng trẻ là “đồ ích kỷ” và trừng phạt khi trẻ chưa biết chia sẻ, vì sẽ vô tình gieo rắc nơi trẻ sự oán hận chứ không phải lòng quảng đại. Cách tốt nhất để trẻ học được cách chia sẻ là cho trẻ thấy mọi người chia sẻ cho nhau như thế nào trong cuộc sống hàng ngày, và đừng quên dạy cho trẻ biết những điều vô hình như cảm giác, ý tưởng, thời gian, những câu chuyện... cũng là những thứ có thể chia sẻ được. Những trẻ biết chia sẻ, nhường nhịn, hay nói cách khác là biết hài hòa giữa “cho” và “nhận” có khả năng thích ứng tốt với cuộc sống.