Phát triển vận tải công cộng để thay thế xe cá nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định: “Giảm dần tiến tới cấm hoạt động xe máy trên một số tuyến đường nội đô là một xu thế tất yếu.

Muốn làm được điều đó cần phát triển nhanh mạng lưới vận tải hành khách công cộng”.

Hạn chế xe máy lưu thông trong nội đô

Đề cập đến lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân, ông Viện cho biết, thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về phát triển hạ tầng, giảm thiểu UTGT, Sở đang tập trung vào các chương trình xây dựng, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm dần lưu lượng phương tiện cá nhân. Một trong những mục tiêu chính của chương trình là hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới cấm xe máy lưu thông tại một số tuyến phố trọng điểm trong nội đô. Xu thế chung của các đô thị hiện đại trên thế giới và trong khu vực là kinh tế càng phát triển, càng văn minh thì lượng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy càng nên giảm, nhường chỗ cho phương tiện vận tải công cộng.
Phát triển vận tải công cộng để thay thế xe cá nhân - Ảnh 1
Có thể thấy rõ, Hà Nội hiện đang đứng trước nguy cơ ngày càng gia tăng UTGT. Mà một trong những nguyên nhân chính là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn TP có 5,5 triệu phương tiện cá nhân, trong đó 500.000 ô tô, hơn 5 triệu xe máy và với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, dự báo đến năm 2025, TP sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. “Lượng xe máy lớn không chỉ gây UTGT mà lượng khí khổng lồ chúng thải ra còn là tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, giảm dần hoạt động của các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt việc xây dựng lộ trình cấm xe máy là một xu thế tất yếu, nên làm. Việc này, Thủ tướng đã có chủ trương giao cho các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch thực hiện” - ông Viện nhấn mạnh.

Cấm lưu thông, không cấm sở hữu
Theo tính toán, đến năm 2020, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội sẽ đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của Nhân dân; đến năm 2025 sẽ đáp ứng 35 - 40%.

Giải thích rõ hơn về mục tiêu và phương pháp thực hiện lộ trình tiết giảm dần xe máy, ông Viện cho biết, các giải pháp đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân. Mà chỉ nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, qua đó giảm UTGT: “Chúng ta chỉ hạn chế phương tiện tham gia giao thông tại một số khu vực nhất định chứ không cấm Nhân dân mua, sở hữu ô tô, xe máy. Người dân có quyền mua xe nhưng sẽ chỉ được sử dụng để đi ở những tuyến phố không cấm mà thôi”.

Tuy nhiên, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tiến tới cấm xe máy, Hà Nội phải đảm bảo các điều kiện đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, trong đó ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, theo dự kiến, đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung bao gồm nhiều tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, hướng tâm, các nút giao trọng yếu và hoàn thiện 8 tuyến đường sắt đô thị. Những ngày qua, dư luận xã hội đang tỏ ra khá đồng tình với quan điểm hạn chế, tiến tới cấm xe máy lưu thông tại một số khu vực trong nội đô. Chỉ cần chính quyền cùng Nhân dân TP tập trung đẩy nhanh công tác đồng bộ hạ tầng, phát triển giao thông công cộng, mục tiêu này sẽ đạt được theo đúng lộ trình vào năm 2025.