Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển vùng Thủ đô Hà Nội: Không để lãng phí sức mạnh liên kết

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng Thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị lấy TP Hà Nội làm đô thị trung tâm và các TP, thị xã của các tỉnh lân cận Hà Nội làm đô thị vệ tinh...

Đây được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phát triển năng động, chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,69km nối đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đến TP Hòa Bình.
Hà Nội thể hiện vai trò trung tâm
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng từ 7 lên 10 tỉnh, TP bao gồm toàn bộ ranh giới TP Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Nhằm thể hiện tốt vai trò trung tâm, đô thị hạt nhân trong Vùng Thủ đô, những năm qua Hà Nội coi trọng tăng cường liên kết với các địa phương trong nhiều lĩnh vực. Có thể nói, 3 lĩnh vực đang được Hà Nội hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Chủ trương đẩy mạnh liên kết Vùng được cả hệ thống chính trị Thủ đô quan tâm, thực hiện.
Trên thực tế, các sở, ngành, thậm chí là các quận, huyện, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hà Nội đã chủ động, thường xuyên giữ mối quan hệ hợp tác với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp các tỉnh trong Vùng.
Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển với chủ đề đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển Vùng. Không chỉ phát triển kinh tế, các tỉnh, thành trong Vùng còn mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác cùng phát triển về văn hóa - xã hội.
Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô mới đây cho biết, trên cơ sở Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội và các tỉnh trong Vùng đã hoàn thành việc phê duyệt các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch ngành, lĩnh vực của từng địa phương.
Hà Nội với vai trò là đô thị hạt nhân đã hợp tác với các địa phương trong Vùng thực hiện các công trình trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông kết nối như đường cao tốc hướng tâm Hà Nội - Hòa Bình; đường vành đai 4 vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu nối Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh- Bắc Giang; dự án kết nối du lịch tâm linh Chùa Hương - Tam Chúc, Ba Sao - Bái Đính qua địa bàn Hà Nội, Hà Nam… ; mở các tuyến xe buýt đến các tỉnh phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Các tỉnh trong Vùng cũng đã chủ động trong bố trí quỹ đất giao cho các bệnh viện tuyến Trung ương triển khai đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở 2 như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức.
Cần sớm có cơ chế quản lý, điều hành
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả, nhưng công tác điều phối và liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô hiện vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Chính phủ đánh giá việc thực hiện cơ chế phối hợp, liên kết vùng (Điều 23, Luật Thủ đô) giữa các tỉnh, TP trong Vùng với nhau hoặc với các cơ quan TƯ vẫn chưa được xác lập để tạo sự chủ động cho các tỉnh, TP trong công tác phối hợp, liên kết Vùng.
Thực tế thời gian qua đã có một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các tỉnh trong Vùng, tuy nhiên chủ yếu vẫn mang tính tự phát, hình thức. Các liên kết kinh tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động một cách hợp lý dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mà chủ yếu là liên kết giữa một số doanh nghiệp, địa phương có chung ranh giới thực hiện cùng đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... với quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.
Bàn về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, sau 3 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội với việc mở rộng phạm vi lên 10 tỉnh, TP, còn rất nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận. Trước hết là phương thức, nội dung liên kết giữa các tỉnh với nhau để tạo ra một vùng phát triển mạnh chưa được thể hiện.
Các địa phương hoạt động chưa gắn với liên kết Vùng, còn mang tính chất địa phương hóa, chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương mình mà chưa thể hiện được trách nhiệm đối với phát triển Vùng. Chính vì điều này đã tác động đến quản lý dân số của Hà Nội, tăng vượt mức quy định.
Dự kiến đến 2020, dân số Hà Nội mới là 7,2 triệu người thì đến đến nay đã vượt qua con số này. Việc quản lý kinh tế các khu công nghiệp cũng chưa có sự liên kết với nhau, các KCN tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội. Thiếu liên kết nên việc chống biến đổi khí hậu cũng gặp khó khăn, điển hình là việc chậm triển khai quy hoạch phòng, chống lũ trên sông Hồng.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng chưa có kế hoạch thực hiện đồng bộ, kể cả đường bộ, đường thủy, đường sắt. Chưa phát huy được hết hiệu quả của nhiều tuyến đường chính liên kết vùng mà mới chỉ tạo thuận lợi cho điểm đầu điểm cuối.
“Hà Nội đã xây dựng mở rộng quốc lộ 32, tuy nhiên các tỉnh lận cận có tuyến quốc lộ này đi qua như Phú Thọ, Yên Bái… chưa có kế hoạch phát triển mở rộng tiếp nối. Hay như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (quốc lộ 5B) mới chỉ phát huy vai trò gắn kết Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà chưa kết nối được với các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm dẫn ví dụ.
Vùng Thủ đô đã được Chính phủ xác định là vùng tiêu biểu, có sức cạnh tranh rất lớn cho cả quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, việc hợp tác giữa các tỉnh, TP phải có sự đồng bộ, thống nhất trong các kế hoạch. Nhưng thực tiễn “cái khó đang bó cái khôn”, quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô chưa ổn định. Do vậy, ngoài sự chủ động của các tỉnh, TP, rất cần một cơ chế quản lý, điều hành mối quan hệ trong Vùng, thậm chí có ý kiến đề nghị cần luật hóa Vùng Hà Nội một cách cụ thể với tính chất ràng buộc trách nhiệm cao hơn.
“Quốc hội nên xem xét tạo ra cơ chế quản lý đặc thù để đảm bảo hiệu lực của mối liên lết Vùng. Trước tiên là áp dụng thí điểm cho Vùng Thủ đô Hà Nội, vì đây là vùng có tác động rất lớn đến cả khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhất là để tạo diện mạo của đất nước, của Thủ đô” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.