Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vacine ARCT-154 phòng Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/8, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19.

 Việt Nam nỗ lực để có vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế về việc chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 để sớm có sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, Tập đoàn VinGroup, thông qua công ty thành viên của mình là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare đã tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Để mua công nghệ vaccine mRNA phòng Covid-19 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vaccine nêu trên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Xác định phát triển vaccine Covid-19 trong nước, bao gồm cả vaccine chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với Tập đoàn VinGroup, đối tác chuyển giao Arcturus, các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vaccine (trường Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y). Các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kiểm định vaccine, các tổ chức hỗ trợ nghiên cứu để xây dựng, thống nhất đề cương, hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. 
Vaccine ARCT-154 sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên, trong đó:
Giai đoạn 1: Thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện.
Giai đoạn 2: Thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu.
Giai đoạn 3: Số lượng 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).
Theo kế hoạch ngày 8/8/2021 sẽ tổ chức khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19 tại trường Đại học Y Hà Nội.
Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam tiếp nhận thêm 1.188.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca từ Cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine Covid-19 hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều.
"Vaccine Covid-19 là công cụ cứu sống con người, nhưng với nguồn cung hạn chế, biện pháp tốt nhất là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất. Khi số lượng các ca nhiễm tăng cao, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tăng cường nỗ lực tiêm vaccine cho nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền để bảo vệ họ khỏi bị bệnh nặng và tử vong” - TS Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF Việt Nam, điều quan trọng là các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và giáo viên được tiêm vaccine phòng Covid-19 để đảm bảo rằng trẻ em có thể trở lại trường học an toàn và được sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng cần thiết.
Đến nay, trong số 8.681.300 liều vaccine do Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vaccine và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác phân phối.
Tính đến ngày 1/8/2021, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có 659,064 người đã được tiêm liều thứ hai. Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Nguồn cung vaccine Covid-19trên toàn cầu hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 ở nhiều quốc gia. Vì vẫn còn nhiều người vẫn chưa được tiêm phòng, người dân cần tiếp tục thực hiện 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.
Vaccine Covid-19 AstraZeneca do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô hàng này  được  vận chuyển  từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma, Tây Ban Nha. vaccine Covid-19 AstraZeneca đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công  tại Việt Nam kể từ tháng 3/2021.