Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép thử mới cho thị trường chứng khoán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tuần đầu tháng 12, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến ngoài dự đoán của rất nhiều nhà đầu tư (NĐT), nhất là biến động mạnh của các phiên giao dịch trong tuần qua (đơn cử, phiên mất 16 điểm ngày 9/12 của VN-Index). Điều gì đang xảy ra trên thị trường?

Cú sốc kép

Được ban hành từ cuối tháng 11, nhưng đến giờ dư âm và tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài đến TTCK vẫn còn nguyên tính thời sự. Theo tính toán mới nhất của Công ty chứng khoán (CTCK) VPBS, hiện nay, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống NH là 435.243 tỷ đồng. Nếu loại trừ 86.636 tỷ đồng vốn điều lệ của các NH nước ngoài, vốn lâu nay không tham gia vào thị trường cho vay chứng khoán, thì tổng vốn điều lệ của các NH cho vay đầu tư chứng khoán là 348.607 tỷ đồng. Theo quy định của Thông tư mới, những NH có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được tham gia cho vay chứng khoán (ước tính vốn điều lệ của các NH có tỷ lệ nợ xấu trên 3% là khoảng 86.449 tỷ đồng), thì 5% vốn điều lệ của các NH đủ tiêu chuẩn để cho vay đầu tư chứng khoán đạt khoảng 13.108 tỷ đồng, giảm 81% so với trước đây (tối đa là 20% vốn điều lệ, tương đương khoảng 69.721 tỷ đồng). Số NH có nợ xấu trên 3% dự kiến còn tăng lên từ đầu năm 2015 sau khi Thông tư 02/2013 và Thông tư 09/2014 của NHNN có hiệu lực, sẽ tiếp tục khiến lượng vốn có thể cho vay chứng khoán suy giảm. Thị trường vì vậy đã phản ứng mạnh mẽ vì các NĐT cho rằng một lượng vốn lớn sẽ bị rút ra khỏi thị trường.
Hoạt động nhập lệnh tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.            Ảnh: Tuấn Anh
Hoạt động nhập lệnh tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Theo thông tin từ NHNN, toàn hệ thống các TCTD chưa bao giờ dùng đến 5% vốn điều lệ để cho vay kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VPBS, vẫn có một số NH nhỏ hiện đang có mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán cao hơn nhiều mức 5%. Vì thế, các NH này sẽ phải giảm lượng cho vay chứng khoán. Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tính đến cuối tháng 10 đạt 17.000 tỷ đồng. Con số này được tổng hợp từ báo cáo tài chính của các CTCK, nên nhiều khả năng đã không tính đến những khoản vay trực tiếp từ NH cho NĐT chứng khoán, với tài sản thế chấp là cổ phiếu.

Trước đó, rất nhiều báo cáo phân tích, dự báo tác động của Thông tư 36 tới TTCK được đưa ra. Dù muốn hay không, các thành viên thị trường đều thừa nhận rằng, Thông tư 36 đã và đang tác động đến thị trường.

Ngoài Thông tư 36, tuần qua, thị trường chứng kiến sự xả hàng không thương tiếc với nhiều mã cổ phiếu họ dầu khí. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự đổ gãy của GAS - vốn có tính dẫn dắt trên thị trường. Từ mức giá 130.000 đồng/cổ phiếu, GAS đã "đổ đèo", giá trị chỉ còn một nửa. Ngoài GAS, các CP họ dầu khí khác như PVD, PVS, PVC cũng bị bán ra mạnh. Không quá khó hiểu về động thái của các NĐT khi giá dầu - vốn là yếu tố tác động mạnh nhất đến kết quả kinh doanh của các công ty họ dầu khí đang trên đà giảm mạnh, từ hơn 100 USD/thùng, xuống khoảng 60 USD/thùng. Đà bán tháo trong các phiên giao dịch xuất phát từ các mã trong ngành dầu khí đã lan tỏa sang các mã ngành khác.

Đặc biệt, điểm tựa của thị trường là giao dịch của khối ngoại cũng không còn khi trong tuần, số phiên bán ròng của nhóm NĐT này chiếm đa số. Họ bán ra khá mạnh tay các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, khiến NĐT trong nước càng bị tác động tâm lý.

Dấu hiệu gom hàng

Tuy nhiên, yếu tố căn bản hỗ trợ thị trường tháng 12 là nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn tốt, với mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2015 là 6,4% - cao hơn mức 5,8% của năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục ở mức thấp tạo cơ sở về việc chính sách tiền tệ có thể tiếp tục được nới lỏng, ngân hàng sẽ tích cực đưa vốn ra thị trường và Chính phủ có giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đặc biệt, nhiều DN công bố số liệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh khá tích cực đã chặn đà rơi của VN-Index. Phiên cuối tuần ghi nhận sự hồi tâm trở lại của thị trường khi sắc xanh hiện diện với mức tăng hơn 3 điểm. Đáng lưu ý là ngay trong các phiên thị trường giảm điểm vẫn có số lượng lệnh bắt đáy rất lớn, kéo giá trị khớp lệnh chứng khoán tăng vọt. Đơn cử như phiên giảm mạnh nhất (ngày 9/12), giá trị khớp lệnh trên HoSE vượt 3.000 tỷ đồng, mức rất cao kể từ đầu tháng 12 đến nay.

Nhìn nhận về thị trường thời gian tới, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng nhận định, kinh tế vĩ mô đang dần khởi sắc, DN kinh doanh cũng khả quan hơn, đó là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường trung, dài hạn. Điều đó cho thấy, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất hơn hẳn bất động sản, vàng, ngoại tệ… Tuy nhiên, trong ngắn hạn, TTCK khó có đột phá. Tháng 12, xu hướng đi ngang tích lũy, thậm chí có thể sụt giảm sẽ tiếp tục, trường hợp tích cực nhất thì VN-Index chỉ có thể tiếp cận lại mốc 600 điểm.