Trái cả Luật và Hiến phápBộ Lao Động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản trả lời Bộ Tư pháp về quy định yêu cầu buộc phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày của Bộ GTVT. Trong văn bản trả lời, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày của Bộ GTVT là không phù hợp Bộ luật Lao động năm 2012 và Hiến pháp năm 2013. “Việc quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày là không phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động” - văn bản của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
Để chứng minh cho quan điểm trên, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phân tích, tại Điều 37 trong Bộ luật Lao động 2012 đưa ra thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ít nhất từ 3 ngày đến 45 ngày tùy thuộc vào loại hợp đồng và căn cứ chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, trong Điều 36 của Bộ luật Lao động 2012 cũng có quy định rõ ràng về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nếu người lao động thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động.
Cần hủy bỏ để tránh tiền lệ xấuViệc không cho người lao động được thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích hợp pháp của họ sẽ khiến cho người lao động chán nản và khó kiểm soát hành vi. Điều này sẽ gây nguy hiểm đối với an toàn bay, nhà quản lý ban hành văn bản cần phải xem xét từ nhiều khía cạnh, không thể dùng ý chí của người sử dụng lao động áp đặt cho nhân viên. Cần phải hủy bỏ để tránh mọi khiếu kiện hoặc tiền lệ xấu cho các luật khác. Luật sư Lê Minh Thắng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Một căn cứ nữa mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để soi chiếu với quy định của Bộ GTVT là Hiến pháp năm 2013. Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái với khoản 2, Điều 14 trong Hiến pháp 2013. Bởi Thông tư 21/2017 do Bộ GTVT ban hành đã có quy định hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Đó đồng nghĩa với việc hạn chế quyền con người nhưng việc hạn chế này không được quy định trong luật. Do đó, quy định của Bộ GTVT là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Thừa nhận Hàng không là ngành có tính chất đặc thù, trong đó vấn đề an toàn, an ninh hàng không luôn phải đảm bảo tính nghiêm ngặt, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc quy định thời hạn báo trước khi phi công chấm dứt hợp đồng cần phải được nghiên cứu và đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi quyết định. Đặc biệt là cần tham vấn ý kiến của những nhân viên hàng không trình độ cao bởi họ chính là những người trong cuộc, là người lao động cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Trước đó, vào tháng 5/2018, hàng loạt phi công của hãng Vietnam Airlies đã có đơn kiến nghị gửi Phó Thủ tướng về các nội dung trong Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT. Theo những phi công này, trong hai thông tư trên có quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái với quy định trong Bộ luật Lao động. Điều này đã “làm khó” nhiều phi công muốn chuyển việc sang môi trường khác mà họ thấy phù hợp hơn.
Cần kiểm tra lại Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hợp đồng lao động giữa phi công và các hãng hàng không chưa có quy định cụ thể về thời gian phải báo trước nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu muốn nghỉ việc, phi công chỉ việc báo trước 45 ngày theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Thế nên việc nhiều phi công cùng báo ốm đã khiến Vietnam Airlines phải huy động lực lượng dự bị sẵn có để bổ sung cho số phi công xin nghỉ việc.
Trước tình trạng trên, Vietnam Airlines đã “kêu cứu” với Bộ GTVT. Đúng 7 tháng sau sự kiện 117 phi công Vietnam Airlines đồng loạt báo ốm, xin nghỉ làm, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 21/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm Thông tư 01/2011/TT-BGTVT. Trong Thông tư này đã bổ sung thời hạn báo trước 120 ngày nếu nhân viên hàng không trình độ cao muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đến năm 2017, khi ban hành Thông tư 21/2017/TT-BGTVT sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2011/TT-BGTVT, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quy định trên.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Thông tư là văn bản dưới Luật và về nguyên tắc Thông tư không được trái với những quy định trong Luật. Do đó, khi một Thông tư được phát hiện trái Luật thì cơ quan ban hành phải sửa đổi Thông tư để phù hợp với Luật. “Đối với trường hợp Thông tư 41 và 21 của Bộ GTVT, khi Bộ LĐ-TB&XH nhận định quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động thì Cục Kiểm tra văn bản cần tham mưu, đề xuất với Bộ Tư pháp, Quốc hội và các cơ quan liên quan sửa đổi lại quy định trên hoặc có thể đình chỉ quy định trái luật đó” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.