Chào mời công khai Theo báo giá của một số đầu mối đổi tiền mới tại khu vực Hà Nội, với những loại tiền thông dụng như 10.000 đồng, 20.000 đồng thì mức phí chênh lệch thường là 10%, tức là 1 triệu đồng tiền chẵn sẽ đổi được 900.000 đồng tiền lẻ; còn đối với những loại tiền mệnh giá nhỏ thì mức chênh lệch cao hơn rất nhiều lần.
Thời điểm này, chỉ cần click chuột vào các trang web đổi tiền lẻ như: doitienle.tin.vn, doitienlixi, doitienlegiare.com là đã thấy xuất hiện những lời mời chào đổi tiền lẻ với những “ưu đãi hấp dẫn”. Một địa chỉ ở phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm) rao nhận đổi tiền sớm qua Facebook. Chủ dịch vụ nói rõ trước: “Tiền mới nhà mình huy động từ nhiều nguồn, tuy nhiều tập không nguyên sê-ri nhưng mới tinh và nhiều mệnh giá”. Còn một số đầu mối khác cho biết, thời gian khách có thể nhận được tiền cũng rải rác từ nay cho đến ngày 15/1/2016, tùy vào mệnh giá và độ hiếm. Trong đó, tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng sẽ có muộn nhất. Riêng tiền 500 đồng sẽ rất hiếm và khó có thể đổi được số lượng lớn. Tại phố đổi tiền nổi tiếng Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm), phí đổi tiền cao hơn cả khu vực cổng chùa, đền và một số nơi khác. Ví dụ, phí đổi tiền nguyên sê-ri mệnh giá 1.000 đồng tại các khu vực khác chỉ 20% - 30%, song ở đây lên đến 40%. Dân buôn khu vực này cho biết, tiền mệnh giá lớn hơn như 10.000 đồng và 20.000 đồng, phí đổi dao động từ 5% - 15% tùy mệnh giá và tùy thời điểm nguồn cung nhiều hay ít. Theo ghi nhận, mức phí này cao hơn so với năm trước ít nhất 5%. Nhiều điểm còn khuyến cáo nếu để đến cận Tết Nguyên đán thì phí dịch vụ rất cao. Chẳng hạn, với mệnh giá 500 đồng, gần Tết năm ngoái, phí đổi là 55% nhưng đến giáp Tết, nhu cầu tăng nên phí được đẩy lên 100% mà vẫn không đủ đáp ứng. Ngân hàng yên ắng Trong khi dịch vụ đổi tiền trên thị trường “chợ đen” đã khởi động và rao bán nhộn nhịp thì phía ngân hàng thương mại lại khá yên ắng, các nhà băng cho biết đến giờ này vẫn chưa có thông tin gì về đổi tiền lẻ mới. “Không biết các đại lý dịch vụ đổi tiền huy động nguồn tiền mới ở đâu ra vì như tại ngân hàng mình, các bộ phận còn đang chạy chỉ tiêu cuối năm, chưa hề có thông tin tiền mới về ngân hàng” - nhân viên một nhà băng trên phố Huỳnh Thúc Kháng tiết lộ. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hải - Cục phó Chi cục Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm nay, NHNN vẫn dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các năm tiếp theo. NHNN cũng không có chủ trương phát hành tiền lẻ để phục vụ các nhu cầu như đổi tiền mới, dùng để lì xì hay đi chùa. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch triển khai đổi tiền lẻ cho khách hàng cũng như chưa đưa ra hạn mức đổi tiền cho nhân viên: “Ngân hàng không có tiền để tuồn ra ngoài cung cấp cho dân buôn. Dân đổi tiền đều có những mối hoặc “cò” gom tiền cung cấp chứ không thể đổi trực tiếp từ ngân hàng”. Khi được hỏi, một số dịch vụ đổi tiền thừa nhận nguồn tiền không lấy từ ngân hàng. “Không phải nhân viên ngân hàng nào cũng có nguồn tiền mới tuồn ra ngoài để lấy phí dịch vụ, các điểm đổi tiền phải có mối riêng và thường từ Kho bạc” - một “cò” chuyên làm dịch vụ đổi tiền cho biết. Còn theo bà H. - chủ một điểm đổi tiền lẻ tại khu vực phủ Tây Hồ, đến thời điểm hiện tại, dân buôn tiền khu vực này vẫn chưa tìm được nguồn cung đổi tiền dịp Tết Nguyên đán mà hầu hết đang sử dụng nguồn tiền được đầu cơ từ những năm trước.
Dịch vụ đổi tiền lẻ mới tại đền Bà Chúa kho. Ảnh: Đức Duy |