Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phí sử dụng lòng đường, hè phố: Tăng theo giá trông giữ phương tiện

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng, việc UBND TP Hà Nội đề xuất tăng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ khiến giá trông giữ phương tiện tăng theo.

Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, thực tế là vì giá trông giữ xe sắp tăng nên mới có đề xuất tăng phí để điều tiết hợp lý nguồn thu.
Phí tăng theo giá

Có một thực tế là thời gian qua, các điểm đỗ, bến bãi gửi xe của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được từ 10 - 12% nhu cầu. Rất nhiều dự án giao thông tĩnh không thu hút được vốn xã hội hóa do nhà đầu tư lo ngại sẽ thua lỗ. Một trong những băn khoăn của nhà đầu tư là các điểm trông giữ phương tiện tạm thời trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm TP mọc ra quá nhiều, giá dịch vụ lại thấp vì không phải bỏ vốn lớn để xây dựng.

Nhằm loại bỏ trở ngại trong quá trình kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào giao thông tĩnh, Hà Nội đã đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích, trong đó có việc cho tăng giá trông giữ phương tiện trên hè đường. Theo lý giải của các chuyên gia, khi giá trông giữ trên hè đường cao, người dân sẽ hướng tới các bãi đỗ xe ngầm, nổi, cao tầng được quy hoạch, xây dựng bài bản. Một khi được người dân hướng tới, các dự án giao thông tĩnh sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Một điểm trông giữ xe ô tô trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Vì vậy, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1/1//2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô tô/tháng.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Thay vì phí tăng khiến giá tăng như quy luật, trong trường hợp này chúng ta có một bài toán ngược, giá tăng nên phí phải tăng theo”. Vị này cũng khẳng định, thứ nhất chỉ tăng phí, tăng giá đối với các điểm trông giữ xe tạm trên lòng đường hè phố, còn trong các bãi đỗ xe ổn định như giàn thép cao tầng, tầng hầm chung cư… cả phí và giá đều không tăng. Mặt khác, tăng phí sử dụng hè đường là một biện pháp để điều tiết nguồn thu về cho ngân sách địa phương, không để các cá nhân, tổ chức trục lợi từ chính sách.

Sẽ nhiều đổi thay

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc tăng giá, phí nhắm đến nhiều mục tiêu nhưng quan trọng nhất vẫn là tác động để góp phần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân. Khi giá trông giữ xe tăng, người dân sẽ cân nhắc chuyển sang đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Ngoài ra, người dân cũng sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa bãi đỗ xe tạm trên lòng đường, vỉa hè và các bãi đỗ xe cao tầng hoặc ngầm khác được xây dựng đúng theo quy hoạch. Một khi hai thói quen này được thay đổi, tình trạng UTGT vì phương tiện cá nhân vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng sẽ được cải thiện rõ rệt trong khu vực trung tâm TP. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội còn tiết lộ, bên cạnh những biện pháp kinh tế, TP cũng đang xem xét tạm dừng cấp phép thêm các điểm trông giữ xe sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Bên cạnh đó, hiện mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào trông giữ xe - iParking đang chứng tỏ được nhiều ưu điểm nổi bật cả về sự tiện lợi lẫn tính minh bạch. Chính vì thế, trái ngược với việc cho tăng giá trông giữ xe tại các điểm sử dụng tạm lòng đường, hè phố khác, các điểm trông giữ iParking lại sẽ giảm giá (từ 30.000 hiện nay xuống còn 25.000 đồng/xe/blok). Tại tờ trình Đề án “Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội”, liên ngành cũng đề xuất cho các điểm ứng dụng iParking được nộp ngân sách khoảng 30% doanh thu mà không phải tính theo diện tích sử dụng (m2/tháng).
Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, trong quý I/2018, mô hình iParking sẽ được áp dụng trên tất cả các tuyến phố thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn TP.