Chợ tất niên rất đặc biệt, nó đặc biệt vì cả người bán, người mua và người đi ngắm... đều tìm đến để giao lưu, phô diễn là chính.
Đầu tiên phải kể đến chợ hoa Tết. Người Hà Nội chơi hoa quanh năm, nhưng chợ hoa Tết mỗi năm chỉ họp có một lần từ 23 tháng Chạp, ngày các gia đình tiễn ông Táo về trời, đến trước lúc giao thừa.
Chợ họp trên một dãy phố cổ, được gọi là Cống Chéo Hàng Lược. Gọi thế là vì trước kia ở đây có một cái cống bắc chéo qua sông Tô Lịch.
Sắc hoa rực rỡ từ Nghi Tàm, Quảng Bá tràn qua Yên Phụ vào chợ hoa Hàng Lược. Bây giờ thì chợ hoa đã lan cả tới các phố Phùng Hưng, Phan Đình Phùng, lấn cả lên vườn hoa Hàng Đậu, rẽ cả vào phố Lý Nam Đế.
Hoa Tết ngày càng phong phú, bên những sắc hồng hoa đào truyền thống còn có hoa mai vàng rực rỡ, cúc Hà Lan, hoa đồng tiền, hoa ly đủ màu, thạch thảo, thủy tiên trắng thanh khiết.
Ngoài thú chơi hoa, người ta còn tìm đến chợ chữ trên phố Bà Triệu để mua vài ba câu-chữ thư pháp hay đôi câu đối chơi ngày Tết.
Đặc biệt hơn cả là những gian chợ đồ cổ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trên góc phố Hàng Mã giáp với Hàng Rươi vào dịp giáp Tết.
Chợ đồ cổ bày bán tất cả những thứ cũ kỹ cổ xưa như điếu cày, điếu bát, chậu đồng, câu đối, đèn dầu, bát đĩa... chỉ họp mỗi năm một phiên duy nhất trong 10 ngày (từ ngày 20 đến chiều 30 Tết) và trở thành một điểm hẹn tất niên của những người có chung sở thích sưu tầm đồ cổ.
Gian đồ cổ chỉ tầm mươi người mang đồ đi bán, họ bán hàng không phải là lấy thêm thu nhập, mà nhằm chia sẻ niềm vui với những người cùng sở thích.
Chiều 30 Tết, chợ tan. Nhiều người vẫn còn nuối tiếc vì chưa kịp chọn cho mình một món đồ ưng ý, còn các ông chủ chưa bán được hàng lại nâng niu món đồ của mình ra về, hẹn nhau năm sau tái ngộ với những món sưu tầm mới.
Chọn hoa đào về bày ngày Tết.
|
Xin chữ ngày Tết.
|