Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên chợ Tết hàng Việt mang mùa Xuân đến cho mọi nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tổ chức 7 điểm bán hàng tiêu dùng theo mô hình “chợ Tết” không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành Hà Nội.

Chỉ phục vụ các mặt hàng thiết yếu

Nhằm quảng bá hàng Việt và phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết, hàng hóa của các điểm này chủ yếu là những mặt hàng thiếu yếu trong ngày Tết như: bánh mứt kẹo, rượu, bia, đồ khô, gia vị… Đặc biệt hơn, tại 7 “chợ Tết”, bà con nông dân có cơ hội tiếp cận với các mặt hàng thiết yếu trong chương trình dự trữ, bình ổn giá, đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

 Không chỉ có vậy, để không xẩy ra tình trạng thiếu hàng phục vụ người dân tại các huyện ngoại thành, Hapro và các doanh nghiệp tham gia đã chuẩn bị khoảng 5.000-10.000 mặt hàng các loại. Đồng thời cam kết nguồn hàng cung ứng chất lượng, số lượng đảm bảo, giá bán hợp lý cho người dân đến hết phiên “chợ Tết”.

 
Người dân ngoại thành mua hàng tại phiên chợ Tết do Sở Công Thương Hà Nội và Hapro tổ chức năm 2014. Ảnh: Minh Ngọc
Người dân ngoại thành mua hàng tại phiên chợ Tết do Sở Công Thương Hà Nội và Hapro tổ chức năm 2014. Ảnh: Minh Ngọc
 
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong đợt phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân ngoại thành ngoài các phiên “chợ Tết” do Hapro tổ chức, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tổ chức “chợ Tết” tại các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức và quận Hoàng Mại. Những phiên “chợ Tết” này có quy mô 1.500 - 2.000m2/điểm, trong đó diện tích bán hàng từ 800 - 1000m2 (tương đương 40 - 60 gian hàng tiêu chuẩn). “Tại phiên chợ tết, người dân không chỉ mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng có nguồn gốc xuất xứ với giá hợp lý, mà còn được hưởng các dịch vụ, các chương trình khuyến mãi. Phiên chợ kéo dài nên bà con có cơ hội mua sắm đến hết ngày 15/2, tức 27 Tết Nguyên đán”, bà Lan khẳng định.

Người dân hào hứng mua hàng 

Mặc dù thời gian phục vụ mua sắm của người dân tại “chợ Tết” kéo dài 5 ngày/phiên, thế nhưng ngay trong những ngày đầu “mở cửa” đã thu hút một lượng lớn người dân đến mua sắm.

 Có mặt tại phiên chợ Tết tổ chức ở huyện Sóc Sơn cũng  như các điểm tổ chức “chợ Tết” trên địa bàn Hà Nội mới thấy mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là đồ dùng thiết yếu như: dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, quần áo…Chị Đặng Thị Nguyên ở thị trấn Sóc Sơn nhận xét: giá bán dầu ăn, nước mắm…rẻ hơn thị trường bên ngoài từ 10 - 15% chất lượng hàng đảm bảo. Còn ông Nguyễn Văn Hoàn (66 tuổi) ở huyện Ứng Hòa lại cho rằng, cơ hội để những người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa được mua hàng như thế này là rất hiếm. Ông chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi tham dự hội phiên “chợ Tết” do Sở Công Thương tổ chức, năm ngoái tôi cũng đã mua hàng ở phiên chợ như thế này và giá cả cũng hợp lý, chất lượng bảo đảm nên năm nay tôi cũng định mua sắm thêm các vật dụng khác”.

Đa phần người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại các phiên “chợ Tết” đều có chung ý kiến: Hàng hóa bán tại phiên chợ Tết đa dạng phong phú, giúp người dân không phải vào tận nội thành mua sắm, đặc biệt chủ yếu là hàng Việt Nam có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nên không sợ mua phải hàng giả, vì vậy bà con rất yên tâm khi mua hàng. Đồng thời người dân bày tỏ mong muốn những phiên chợ như thế này nên được tổ chức nhiều lần trong năm, để người dân có điều kiện được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, nhất là những mặt hàng bình ổn giá.

Ông Tạ Văn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Việc Sở Công Thương và các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ Tết đã giúp bà con nông dân có cơ hội mua hàng hóa với giá hợp lý, chất lượng đảm bảo lại không phải đi xa, đây là việc làm thiết thực cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Với 7 mô hình “Chợ Tết” được mở ra liên tục từ sáng tới tối trong 5 ngày liền sẽ là địa chỉ mua sắm hợp lý và tin cậy cho người dân ngoại thành Thủ đô. Đó cũng chính là mong muốn của Sở Công Thương Hà Nội nhằm mang đến một năm mới ấm áp, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc tới người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.