Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên trù bị kỳ họp thứ sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 4/7, kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội khóa XV họp phiên trù bị.

Ngoài nhận tài liệu, các đại biểu chia tổ thảo luận, nghiên cứu các nội dung quyết nghị tại kỳ họp; thống nhất các vấn đề yêu cầu UBND thành phố và các cơ quan có liên quan giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nhằm tiếp tục tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên họp trù bị vào chiều nay (4/7), trong đó chia các tổ thảo luận nhằm dành nhiều thời gian hơn để đại biểu xem xét, thảo luận và cũng là điều kiện để nhiều ĐB được tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình xung quanh những vấn đề lớn, quan trọng của nội dung kỳ họp. Những nội dung phát biểu ở tổ sẽ được tổng hợp và những ý kiến còn khác nhau sẽ được các cơ quan giải trình bằng văn bản hoặc báo cáo rõ tại phiên họp chính thức.
 Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp trù bị

Sau đó, phiên họp chính thức được tổ chức trong 2 ngày tiếp theo, trong đó dành một ngày để xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết; một ngày dành cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và tiếp tục thực hiện phát thanh, truyền hình trực tiếp tại hội trường. Để các tổ ĐB thảo luận đạt hiệu quả, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban thẩm tra các nội dung mà UBND TP trình, trên cơ sở đó, đưa ra những vấn đề cần lưu ý thảo luận, tạo sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.

Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP đề nghị trong thảo luận, các ĐB lưu ý tập trung đánh giá một cách khoa học, khách quan về nhận định tình hình, kết quả đạt được (gắn với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm và cả nhiệm kỳ); chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của của hạn chế, vướng mắc, khuyết điểm đó, trách nhiệm ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào.

Đồng thời, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ tổ chức thực hiện từ nay đến hết năm 2018 và đề xuất bổ sung thêm các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khuyết điểm để thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất Nghị quyết HĐND TP; thảo luận về căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành đối với các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết, về tính cần thiết ban hành các nghị quyết, tính khả thi và khả năng tổ chức thực hiện của TP…

“Với tinh thần đổi mới, phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của ĐB HĐND TP, tôi đề nghị các tổ ĐB tổ chức thảo luận, có nhiều ý kiến để UBND TP và các cơ quan có liên quan tiếp thu, bổ sung giải trình làm rõ và nghị quyết sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống. Đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành tiếp thu giải trình đảm bảo thời gian kỳ họp”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Quan tâm tới đời sống của người dân thuộc diện tái định cư

Tại tổ thảo luận số 3 có các ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP và các ĐB HĐND TP ứng cử tại các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ. Đáng chú ý tại đây có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về công tác quản lý trật tự giao thông đô thị, quản lý đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP hiện nay. Nhiều ĐB cũng mong muốn HĐND TP quyết nghị để sớm triển khai quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện “Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP”.

Trong đó, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương quan tâm nhiều đến các chỉ tiêu khối văn hóa và cho rằng, việc công nhận chỉ tiêu, bình xét danh hiệu văn hóa mới là hình thức, chưa đạt thực chất. Việc phấn đấu đạt tỷ lệ chuẩn quốc gia toàn TP về trường học, trạm y tế còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ trạm y tế của huyện Mỹ Đức chưa đạt theo kế hoạch.

  ĐB Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu thảo luận

ĐB Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP đề nghị TP quan tâm hơn đến chế độ tiền lương cho cán bộ công chức (CBCC), tránh tình trạng chảy máu chất xám, hạn chế CBCC làm được việc chuyển ra ngoài cơ quan nhà nước; làm sao để CBCC sống được bằng lương. Ngoài ra, cần quan tâm đến chế độ đặc thù cho CBCC làm nhiệm vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước, khi chúng ta đang tiến vào thời đại 4.0.

ĐB Nguyễn Văn Hải-Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm lại quan tâm nhiều đến chỉ tiêu thu gom rác thải trong ngày và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Ngoài ra, ĐB cũng quan tâm đến công tác quy hoạch và nhấn mạnh, quy hoạch phải có dự báo, tránh trường hợp điều chỉnh nhiều lần, gây nhiều hệ lụy sau điều chỉnh.

Theo ĐB Vũ Ngọc Anh - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP, tỷ lệ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn thấp, tình hình xử lý chất thải rắn xây dựng còn chưa hiệu quả, nên đề nghị TP có biện pháp khẩn trương để đẩy mạnh việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. ĐB Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, TP cần có các giải pháp hiệu quả để nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của TP.

ĐB Hoàng Mạnh Phú-Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ thì bày tỏ vui mừng khi TP đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp của TP chưa được khai thác hết, chưa có nhiều thương hiệu nông nghiệp mạnh. Ngoài ra, đề nghị TP quan tâm cải tạo hồ nước trên địa bàn TP trong khi ngân sách huyện rất khó khăn để kè, nạo vét hồ. Liên quan đến Đề án sữa học đường, ĐB hoàn toàn tán thành chủ trương của TP để nâng cao sức khỏe cho các cháu, song cần lựa chọn đơn vị cung cấp sữa đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Văn Nam-Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, HĐND TP cần bàn các giải pháp dành quan tâm tới đời sống của người dân thuộc diện tái định cư (TĐC) phục vụ các dự án trên địa bàn TP. Theo ông Nam, hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền cho GPMB là rất tốt, song trong quá trình triển khai tại TP chưa thật sự hiệu quả. Ở quận Hai Bà Trưng thực tế cho thấy, trong các dự án vừa triển khai, chỉ khoảng 15% số hộ thuộc diện GPMB đủ điều kiện nhận nhà TĐC thì họ nhận nhà, còn lại 85% hộ đều nhận tiền. Như vậy, “nếu áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền cho GPMB thì TP sẽ rất thuận lợi trong việc không phải chờ xây dựng nhà TĐC. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cũng đang thừa mười mấy nghìn căn nhà TĐC. Nên, nếu chúng ta cứ chạy theo kiểu phải dự án nào cũng phải bố trí đủ nhà TĐC thì sẽ dẫn đến thừa nhà TĐC vì nhiều người được bố trí rồi nhưng không có nhu cầu. Và hệ lụy từ nhà TĐC là rất lớn, nhất là vấn đề chất lượng nhà”, ông Nam nói.

Tại tổ thảo luận số 3, ĐB Lê Cường-Bí thư Quận ủy Hà Đông lại đề nghị HĐND TP quan tâm các giải pháp tháo gỡ cho công tác giao đất dịch vụ, vì hiện công tác này còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đánh giá trường chuẩn quốc gia trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến, song nhiều nội dung liên quan đến đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn. Điển hình tại quận Hà Đông mỗi năm tăng 7.000-8.000 học sinh, năm nào cũng làm 5-7 trường mới, nhưng vẫn không đáp ứng kịp việc tăng dân số, tăng học sinh. Riêng quận đang thiếu khoảng 600 giáo viên. Vì vậy, HĐND TP cần cho chủ trương sớm để các địa phương tổ chức thi tuyển hay ký hợp đồng với giáo viên, để địa phương chủ động.

Nêu ý kiến tại tổ thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đặc biệt bày tỏ lo ngại về công tác PCCC hiện nay. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, tại các nước như Mỹ, Nhật, Anh…, đa số nhà cao tầng thiết kế làm cầu thang bộ ra hẳn mặt ngoài nhà, không như tại Việt Nam thường làm cầu thang bộ ở trong, khiến nhiều khi xảy ra cháy, hầu hết người bị chết ngạt do khói chứ không phải do bỏng.

“Tôi họp Chính phủ đã rất nhiều lần kiến nghị sửa quy định, tại các nhà cao tầng cần làm cầu thang ra bên ngoài. Tính mạng con người cần được coi trọng nhất. Muốn xử lý triệt để những tồn tại hiện nay trong công tác PCCC tại các nhà cao tầng, cần có thay đổi ngay từ cơ chế, chính sách; ở các thời điểm khác nhau thì cần tiêu chuẩn, quy định khác nhau. Một dự án xây dựng trước khi nghiệm thu thì bắt buộc phải đảm bảo PCCC. Về phía UBND TP, cũng đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, trong đó chỉ đạo Công an TP vào cuộc để có hình thức xử lý đối với những sai phạm, đặc biệt đối với những chủ đầu tư các tòa nhà chung cư vi phạm nghiêm trọng an toàn PCCC”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Đề nghị tập trung hoàn thành quy hoạch không gian ngầm của Thủ đô

Thảo luận tại Tổ đại biểu số 2 về tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (ĐB huyện Thường Tín) đề nghị TP triển khai quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các quy hoạch đã có trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ 23, cũng như các văn bản cấp trên. Tập trung triển khai hoàn thành các quy hoạch đường quốc lộ số 5, quy hoạch các khu đô thị và đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

 Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (ĐB huyện Thường Tín) phát biểu tại phiên họp tổ

Lấy dẫn chứng là Thủ đô Seoul có hai bên bờ Sông Hàn được quy hoạch rất tốt, chiều dài của sông Hàn - dòng sông chảy giữa thủ đô Seoul dù ngắn nhưng có tới trên 30 cây cầu, Đại biểu đề nghị Hà Nội làm tốt vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Ngoài ra, Đại biểu đề nghị tập trung hoàn thành quy hoạch không gian ngầm của Thủ đô.

Đại biểu cũng cho rằng, theo quy hoạch chung mới nhất của Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô sẽ có đô thị lõi bên vành đai 4, đây cũng là hướng vận tải người và hàng hóa nhiều nhất của Thủ đô (theo hướng Bắc – Nam). Các công trình trung hạn ở khu vực này giúp định hình ngay việc quy hoạch Thủ đô mới văn minh, hiện đại, Đại biểu đề nghị tập trung các nguồn lực hợp pháp để sớm hoàn thành vành đai 4, làm đường từ quốc lộ 6 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) nhắc việc đi khảo sát trực tiếp ở một số trường, nhiều nơi vừa xuống cấp, chật hẹp không đảm bảo điều kiện cho học sinh trong việc vệ sinh hàng ngày.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Giáo dục đã cùng các ngành liên quan và các quận, huyện tiến hành rà soát hiện trạng hệ thống nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn TP. Tính đến hiện nay có 6.989 khu nhà vệ sinh nam nữ riêng biệt cần phải cải tạo, nâng cấp. Trong khi đó, mới đưa ra phương án thực hiện được đối với 3.720 khu nhà vệ sinh với tổng kinh phí gần 436 tỷ đồng.

Đại biểu kiến nghị UBND TP cần xây dựng kế hoạch, kinh phí, lộ trình thực hiện cụ thể để sớm thực hiện việc nâng cấp nhà vệ sinh đối với các trường. UBND TP cần đưa ra các giải pháp đến cuối năm 2018 và đưa vào kế hoạch trọng tâm của năm 2019 là làm rõ việc phê duyệt bổ sung kế hoạch dự toán ngân sách và có lộ trình cụ thể thì chúng ta mới giải quyết được gần 7000 khu nhà vệ sinh cần cải tạo này.

Nên ban hành Nghị quyết phát triển 5 đô thị vệ tinh 

Tại Tổ HĐND số 6, các đại biểu Thanh Xuân, Long Biên, Thanh Trì, Thanh Oai và Thạch Thất đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” như cần thiết có các cơ chế đặc thù cho Hà Nội để phù hợp hơn với sự phát triển của Thủ đô, về việc phân cấp để giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn, về năng suất lao động…

Thảo luận về vấn đề cơ chế để Hà Nội phát triển, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, Hà Nội giống như một cơ thể cường tráng, gánh nhiều trọng trách về chính trị- kinh tế- xã hội nhưng đang mặc một chiếc áo quá chật về cơ chế. Đại biểu đề xuất, chúng ta nên tham khảo một số cơ chế thí điểm để thực hiện, ví dụ như cơ chế đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư…

 Các đại biểu thảo luận tại tổ

Tại thảo thuận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) nêu vấn đề về việc giải ngân vốn đầu tư công của các Dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân theo đại biểu Nguyễn Minh Đức là do các quy định, quy chế, quy chuẩn trong việc ban hành thẩm tra, thẩm định dự án nhiều khi còn trùng lặp. “Có những vấn đề thẩm định một lần rồi quay lại lại thẩm định tiếp. Điều này kéo theo các thủ tục kéo dài thêm về mặt thời gian”- đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết. Vì vậy, theo đại biểu cần phải xây dựng một quy trình thật chuẩn để đẩy nhanh quá trình xử lý công việc.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, việc xây dựng Dự án, chính quyền đô thị cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn cử, tại  Khu đô thị Thanh Hà, hàng nghìn người dân nhưng lại chỉ nằm trong một xã. Bà con băn khoăn không thuận lợi thủ tục hành chính. Các vấn đề phát sinh trong xây dựng chính quyền đô thị  này phải xử lý như thế nào?.

Ngoài ra, chất lượng biên chế cũng là vấn đề được các đại biểu đề cập đến nhiều. Đó là câu chuyện nhiều nơi công việc nhiều nhưng không có người làm, lại có nơi nhiều biên chế nhưng không biết làm gì.

Giải trình ý kiến thêm, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND số 6 Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng, các ý kiến thảo luận ngắn gọn và sát với thực tế, nâng cao chất lượng HĐND. Đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn đề nghị, HĐND đánh giá một cách toàn diện liên quan đến Luật Thủ đô và việc phân cấp, biên chế, chất lượng biên chế. Đại biểu Hoàn cũng cho rằng, nên ban hành Nghị quyết phát triển 5 đô thị vệ tinh để có thêm nguồn lực cho Hà Nội phát triển.