Trước đó, ngày 4/10, ông Duterte đã phát biểu, Washington không muốn bán tên lửa và các vũ khí khác cho Philippines, nhưng Moscow và Bắc Kinh có thể dễ dàng cung cấp cho Manila. Các tuyên bố của người đứng đầu Philippines là động thái mới nhất trong một loạt các phát ngôn làm lung lay quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ - Philippines.
Giới chức Mỹ đã “bỏ qua” các phát ngôn của ông Duterte, tập trung vào mối quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ của 2 nước. Đại diện Nhà trắng cho biết, Washington chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía chính quyền Tổng thống Duterte về việc thay đổi quan hệ.
Philippines đã chi 3,9 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2015, và tăng đều hàng năm kể từ 2010. Phần lớn là mua vũ khí từ Mỹ.
Phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế về khả năng hỗ trợ quốc phòng, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Amy Searight cho biết, đây không phải là vấn đề về vũ khí, phương tiện hay thiết bị mà còn là khả năng xây dựng năng lực cho các quốc gia.
Hiện nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines. 2 nước đã có nhiều hoạt động hợp tác về mặt quân sự chặt chẽ trong những năm qua, bao gồm tập trận chung và hoạt động huấn luyện.
Sự gắn bó về mặt vũ khí và hệ thống như vậy đồng nghĩa với việc quân đội Philippines sẽ phải tiến hành tái cấu trúc nếu muốn chuyển sang vũ khí của Trung Quốc và Nga, GS Richard Javed Heydarian của trường Đại học De La Salle ở Manila nhận định.
“Sẽ mất nhiều năm để quân đội Philippines tái định hình nếu sử dụng công nghệ mới”, ông nhấn mạnh.
Mặc dù Moscow có thể cung cấp hệ thống vũ khí chất lượng cao cho Philippines, Manila sẽ phải đảm bảo hệ thống này tương tác được với các vũ khí từ Washington mà nước này hiện có, chuyên gia về các vấn đề hàng hải Lyle Goldstein cho biết.
“Bạn không thể mua một radar từ nước này và tên lửa từ nước khác. Các vũ khí phải cùng hệ thống”, ông nói.
Ông Goldstein cũng lưu ý rằng, các quan chức Philippines phần lớn được giáo dục tại và gắn bó với nền văn hóa Mỹ. Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Philippines đã vượt xa qua việc mua bán vũ khí đơn thuần. Do vậy, nhiều chuyên gia nhận định, ông Duterte có thể đang cố gắng củng cố vị trí của mình và có được giá tốt hơn về trang thiết bị quân sự từ Washington.