Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim kinh dị Việt: Mãi vẫn... ngô nghê

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm gần đây, mỗi năm có vài phim kinh dị của Việt Nam ra rạp. Tuy nhiên, không nhiều phim trong số này đạt tiêu chuẩn khiến người xem dựng tóc gáy hay tạo bất ngờ.

Yếu đủ thứ

Tiêu chí đầu tiên khi chọn phim kinh dị là mức độ “dọa” khán giả đến đâu. Nếu áp dụng tiêu chí đó vào phim kinh dị Việt, khán giả hầu như thất vọng. Hạn chế lớn của phim kinh dị Việt là kịch bản yếu, ý tưởng cũ mòn và chiêu dọa ma nhàm đến… dễ đoán. Quanh đi quẩn lại là hình ảnh ma nữ tóc tai rũ rượi, đầy máu me lướt qua màn ảnh. Ngoài những “mánh” kinh điển này, các nhà làm phim Việt ít sáng tạo trong các mảng miếng hù dọa khán giả.
Một cảnh trong phim “Cột mốc 23”.
Một cảnh trong phim “Cột mốc 23”.
Rất nhiều phim kinh dị Việt có chung kết cấu: Đẩy hết phần dọa ma, kinh dị lên đầu phim, để càng về cuối càng… đuối, “lộ” cách giải quyết vấn đề ngô nghê. “Ngôi nhà trong hẻm” quanh quẩn khi để tình huống ám ảnh ma lặp lại đến 2 lần. “Mặt nạ máu” vừa ra rạp để cho một nhân vật xuất hiện lãng xẹt ở cảnh giữa phim, để rồi trong một cảnh khác lại xộc ra giải cứu người bị nạn, thật khó chấp nhận. Chưa kể các tình huống đáng lẽ kịch tính lại dàn dựng sơ sài, cẩu thả. “Cột mốc 23” là một trong số những phim kinh dị khó hiểu, lấy cảnh nóng và tấu hài làm chủ đạo.

Dàn diễn viên của phim kinh dị Việt Nam bao giờ cũng có một vài tên tuổi của làng hài như Tấn Beo, Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành, như thể yếu tố đảm bảo lượng khán giả tới rạp. Và dường như biết không đủ sức dọa khán giả, nên nhiều đạo diễn chọn lối đi an toàn là pha yếu tố hài hước với kinh dị, thậm chí đôi khi kinh dị bị phần hài lấn lướt. “Ngủ với hồn ma” có màn kinh dị pha hài hước trong cảnh ở nhà xác bệnh viện. “Bệnh viện ma” có nhiều cảnh có yếu tố kinh dị, nhưng lại khiến khán giả ôm bụng cười với cảnh dọa ma trong thang máy. “Con ma nhà họ Vương” cũng gây cười hơn là kinh dị.

“Mặt nạ máu” của đạo diễn Đỗ Thành An cũng không ngoại lệ. Đạo diễn tạo được không khí u ám, nhưng sự lạm dụng yếu tố hài khiến phần kinh dị mờ nhạt. Dàn diễn viên hội tụ Hoài Linh, Thu Trang, Tấn Beo và Khởi My đương nhiên sẽ biến phim thành hài chủ đạo. Hoài Linh dù được tiết chế khả năng hài, nhưng lời thoại vẫn nặng màu sắc sân khấu hài.

Khó ở đâu?

Không ít lần các đạo diễn phim kinh dị lắc đầu ngao ngán vì cơ chế kiểm duyệt khi đưa phim ra Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Hội đồng này lại bị quy định của Luật Điện ảnh chi phối, trong đó không chấp nhận những hình ảnh, chi tiết được cho là “bạo lực, trái thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan”. Và hệ thống phân loại phim ở Việt Nam chưa hoàn thiện, nên nhiều phim chưa đến mức cấm khán giả dưới 16 tuổi nhưng vẫn chịu chung số phận. Vẫn biết văn hóa Á Đông không thể cởi mở như văn hóa phương Tây, nhưng chính rào cản này khiến các nhà làm phim “tự kiểm duyệt” mình, không dám “làm tới nơi” như nhiều đạo diễn thừa nhận.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận điều cốt yếu vẫn nằm ở tài năng của những người sáng tạo. Điểm qua hàng chục phim kinh dị trong những năm qua của điện ảnh Việt, số phim được khán giả chấp nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, Victor Vũ dẫn đầu danh sách các đạo diễn “chắc tay”. Điển hình là “Quả tim máu” có kịch bản hấp dẫn, cách dựng phim hồi hộp và dàn diễn viên tốt; “Scandal 2: Hào quang trở lại” cũng giữ được phong độ với cách tạo kịch tính, hồi hộp cho khán giả.

Điện ảnh Việt chưa thể có những phim kinh dị về các hiện tượng siêu nhiên, tâm linh không thể lý giải vì nhiều lý do: Kiểm duyệt, kinh phí, công nghệ và trí tưởng tượng của người làm phim. Tuy nhiên, dòng phim tâm lý kinh dị cũng chưa được các đạo diễn khai thác tới nơi tới chốn. Đặng Thái Huyền - nữ đạo diễn trẻ thử sức qua nhiều thể loại đang ấp ủ một phim kinh dị mới. “Tôi rất mê Hitchcock, biết tới công thức làm phim kinh dị của ông” - Đặng Thái Huyền chia sẻ. Những người mê phim của Alfred Hitchcock rất nể khả năng làm chủ nhịp độ dọa khán giả của ông, ít phút nghỉ lại đến một tình huống sợ dựng tóc gáy khác. Đây là lối đi mà các đạo diễn Việt nên học tập.