Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Nhà nước “tụt hạng”vì thiếu tiền?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự "tụt hạng" của các hãng phim Nhà nước (đã được cổ phần hóa) nhiều năm nay là nỗi buồn của những người làm điện ảnh. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của ngành điện ảnh, người ta không thôi nhắc đến nỗi buồn này.

Nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Hơn chục năm nay, điện ảnh Việt vắng mặt những bộ phim đỉnh cao, đặc biệt 2 năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất phim ngày một ít khiến các đầu phim Nhà nước (thường là phim nghệ thuật) càng hiếm. Trong khi đó, sự phát triển rầm rộ của các nhà làm phim tư nhân, từ việc quảng cáo đến công bố doanh thu phòng vé, khiến nhiều người không khỏi lo ngại cho tương lai các hãng phim. Điển hình là "anh cả đỏ" Hãng phim truyện Việt Nam, sau khi được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hoạt động mới. Loay hoay xã hội hóa không nổi, ngay cả trụ sở cũng đang xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê nổi danh một thời, giờ được nói đùa một cách chua xót của giới điện ảnh: "Giữ lại làm trường quay đóng phim thời bao cấp".

Trước những khó khăn đó, nhiều dự án phim đang có nguy cơ chậm tiến độ. Ông Vương Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: "Dự án phim "Sống cùng lịch sử" nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Hãng phim xây dựng đã được các cấp phê duyệt 21 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2014. Tuy nhiên, đến nay, Hãng vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí đầu tư nào. Và theo tiến độ, nếu không bấm máy trong tháng 8 tới, bộ phim này sẽ không thực hiện kịp tiến độ". Dự án phim cổ trang "Mỹ nhân" do Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải Phóng đảm trách cũng cùng cảnh ngộ. Phim chưa khởi động vì chờ kinh phí, dù cho đây có thể là đại diện phim Việt tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội dự kiến diễn ra vào tháng 10/2014.

Phim Nhà nước “tụt hạng”vì thiếu tiền? - Ảnh 1

Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến.

Tìm hướng đi đúng

Nhớ lại thời kỳ bao cấp, dù khó khăn chồng chất, nhưng điện ảnh Việt vẫn tạo được những "đỉnh cao". Điều đó chứng tỏ kinh phí không phải là vấn đề quan trọng nhất. Có lẽ, do các hãng phim Nhà nước sống trong bao cấp lâu, nên khi được xã hội hóa vẫn chưa chủ động tìm kiếm nguồn lực phát triển mà vẫn "bó gối" chờ Nhà nước "rót" kinh phí, nên mới xảy ra tình trạng như vậy.

Tại các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc…, các hãng phim muốn tồn tại lâu dài cần có một tổ hợp liên kết gồm: Hệ thống rạp, nhà hàng, trung tâm thương mại, đơn vị phát hành… Tuy nhiên, Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: "Hiện, kinh phí Nhà nước chỉ dành để làm những bộ phim đặt hàng phục vụ những dịp tuyên truyền, kỷ niệm. Vì thế, nếu chúng ta chỉ chú tâm đầu tư vào phim đặt hàng thì sẽ khó có đầu tư cho những dòng phim khác như phim tác giả, phim giải trí có chất lượng cao. Mặt khác, Quỹ Phát triển điện ảnh được ký duyệt 50 tỷ đồng chỉ được dùng để khen thưởng cho những tác phẩm điện ảnh có chất lượng, có tìm tòi, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước". Đồng nghĩa với đó là các hãng phim Nhà nước muốn "sống khỏe" phải tích cực huy động nguồn xã hội hóa và tìm cách liên kết với các đơn vị khác để có chỗ đứng vững chắc.

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam vừa được Bộ VHTT&DL phê duyệt có đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nền điện ảnh phát triển mạnh ở châu Á. Nếu không có kinh phí, không có cơ chế hoạt động hợp lý, thì mục tiêu này vẫn quá xa vời.