Phim trái mùa
Phải thừa nhận, 3 - 4 năm trở lại đây, bộ mặt phim Việt đã khởi sắc rõ nét, nhiều phim ra rạp đã đạt kỷ lục về doanh thu. Vì vậy, nếu thời gian trước, các nhà sản xuất phim trong nước chỉ dám dốc hầu bao làm phim Tết, thì nay, quan niệm này đã thay đổi. Điện ảnh Việt đã có mùa phim hè. Và năm 2014, phim ra mắt vào mùa thu nhưng vẫn trụ rạp, cạnh tranh được với phim "bom tấn" của nước ngoài. Bằng chứng là bộ phim "Đoạt hồn" của đạo diễn Hàm Trần ra mắt vào giữa tháng 7/2014, khi nhiều bộ phim hè của Hollywood rậm rịch khép màn, nhưng vẫn đạt 12 tỷ đồng doanh thu sau 4 ngày công chiếu. Con số doanh thu này đã vượt qua những thành công phòng vé trước đó của "Cô dâu đại chiến" (khởi chiếu Tết Nguyên đán 2011) và "Long Ruồi" (khởi chiếu dịp 30/4/2011). Trước khi ra mắt, "Đoạt hồn" bị đánh giá là chọn thời điểm ra rạp mạo hiểm và nhiều thách thức. Tuy nhiên, chất lượng thực của "Đoạt hồn" so với nhiều tác phẩm điện ảnh Việt khác rõ ràng đã lôi kéo được khán giả tới rạp.
Một cảnh trong phim "Đoạt hồn".
|
Thành công của "Đoạt hồn" càng khiến ekip làm phim "Scandal 2" (Hào quang trở lại) của đạo diễn Victor Vũ quyết tâm cho phim ra rạp đúng vào dịp lễ lớn của dân tộc. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, sau "Scandal 1", "Bí mật thảm đỏ", "Cô dâu đại chiến" thì rõ ràng cái tên Victor Vũ là thương hiệu bảo đảm cho phim tại phòng vé. Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi "Hào quang trở lại" đủ sức đánh bật nhiều phim Mỹ, phim Hàn đang hút khách trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua. Với những con số đáng mừng về doanh thu của phim Việt, rõ ràng thị trường phim tư nhân đã biết cách tiếp cận khán giả. Tuy nhiên, đó có là hướng đi đúng, góp phần lưu dấu giá trị nghệ thuật cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 hay không lại là điều cần bàn.
Chân dài + danh hài
Mô típ quen thuộc mà phim thị trường Việt hay sử dụng đó là: Chân dài và danh hài. Mặc dù, kịch bản của "Đoạt hồn" và "Hào quang trở lại" nghiêng về yếu tố kinh dị, bất ngờ song cũng không thể thiếu vắng những "ngôi sao" của làng catwalk hoặc người đẹp làng điện ảnh như Trang Nhung, Thân Thúy Hà, Trần Bảo Sơn, Nhung Kate... Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, những bộ phim "Hiệp sĩ mù", "Mỹ nam kế", "Chuyện ba cô nàng"... cũng trung thành với công thức Chân dài + danh hài. Con át chủ bài của các bộ phim này không ngoài những gương mặt đẹp: Hoa hậu đại dương 2014 Đặng Thu Thảo, người đẹp Ninh Dương Lan Ngọc, Hoa hậu Khánh My, Yaya Trương Nhi, Á hậu Hoàng Anh, danh hài Chí Tài... Kịch bản phim cũng không thoát khỏi những tình huống gây cười hớ hênh, hoặc những thâm cung bí sử của giới showbiz.
Xét một cách công bằng, các nhà sản xuất phim đang làm theo thị hiếu của phần đông công chúng và mức độ an toàn của nhà sản xuất. Và có thể nói rằng, thay công thức Chân dài + danh hài trong phim thị trường là điều rất khó. Nếu nhìn về hiệu quả cả khán giả và kinh tế, rõ ràng câu chuyện của phim thị trường sáng sủa hơn rất nhiều so với những bộ phim gắn mác nghệ thuật, được sản xuất với chi phí cả chục tỷ đồng nhưng mỗi suất chiếu chỉ 2 - 3 người xem. Người ta không thể đòi hỏi người làm phim nghệ thuật phải lấy chân dài làm tiêu chí và cũng không thể đòi hỏi phim thị trường phải mang ý nghĩa tuyên truyền. Nhưng trái tim người xem luôn chan chứa nhiều cảm xúc. Một bộ phim hay không có nghĩa chỉ có chân dài và danh hài mới có thể hút khách. Một bộ phim làm theo mục đích tuyên truyền cũng có thể lay động lòng người nếu những số phận, những nhân vật trong phim diễn "đời" hơn.