Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Đỗ Đức Thịnh, Chi cục được giao quản lý 7 sông chính và hệ thống đê điều đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với hơn 400km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Với tình hình vi phạm diễn ra khá nhiều và phức tạp, Chi cục đã thực hiện đúng quy trình lập biên bản vi phạm và phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm. Đã có hơn 104 văn bản liên quan đến chỉ đạo, báo cáo và đôn đốc xử lý vi phạm.
Ngoài ra, công tác thỏa thuận cấp phép với các hoạt động liên quan đến đê điều đã được chỉ đạo thực hiện tốt, không để sai sót hoặc gây khó khăn cho đơn vị, cá nhân xin thỏa thuận cấp phép. Cụ thể, Chi cục đã trả lời 709 trường hợp; tham mưu cho Sở NN&PTNT 161 trường hợp; tham mưu cho UBND TP ban hành 31 quyết định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều, từ đầu năm đến nay đã xử lý 34/143 vụ vi phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm còn thấp. Đáng chú ý, tình hình khai thác cát và xe quá tải đi trên đê đã làm hư hỏng mặt đê, sự an toàn đê điều, gây bức xúc trong Nhân dân và khó khăn trong quản lý.Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo đó, đã dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với công dân để kịp thời giải quyết nhưng phản ánh, kiến nghị và góp phần hạn chế phát sinh đơn thư, khiếu nại. Tính từ 1/1 - 31/8/2018, Chi cục đã tiếp nhận 3 đơn thư, khiếu nại của công dân và tổ chức phản ánh.Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác chuyên môn cũng như công tác Đảng mà Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP đã đạt được trong thời gian qua.Đối với những nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, với chức năng, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Chi cục cũng như các cán bộ, công chức cần làm tốt hơn công tác tham mưu với tinh thần quyết liệt và bám sát nhiệm vụ chính trị của TP. Trong đó, cần quan tâm tham mưu đến vấn đề quản lý Nhà nước, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý đê điều và phòng chống lụt bão bởi đây được coi là nhiệm vụ rất quan trọng. “Khi phát hiện sai phạm về đê điều ban đầu phải lập biên bản và sau đó cần đôn đốc, tham mưu cho lãnh đạo TP, quận, huyện liên quan để có phương án xử lý” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, trong công tác duy tu cần phải đầu tư hơn nữa để xứng tầm với vị trí và vai trò của đê điều trong tình hình hiện nay. Trong đó, ưu tiên đầu tư tại các khu vực xung yếu và phải bài bản, có lộ trình. Đặc biệt, đối với các đoạn đê trong nội đô, cần đầu tư có lộ trình, đúng kế hoạch để vừa đảm bảo phòng chống thiên tai và vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phải coi trọng công tác tuyên truyền, truyền thông trong bảo vệ đê điều sao cho đồng bộ giữa Chi cục với các ngành, đơn vị của TP và các cơ quan báo chí.Đối với công tác xây dựng Đảng và bộ máy tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, Chi cục cần chú ý trong việc hoàn thiện và thực hiện quy chế sinh hoạt của Đảng bộ; hàng tháng phải tổ chức sinh hoạt Đảng bộ, ra nghị quyết và phân công nhiệm vụ, để triển khai đến các Chi bộ. Đồng thời, phải thực hiện việc kiểm điểm để có đánh giá trong việc thực hiện các nghị quyết, sự lãnh đạo Đảng ủy. Song song với đó phải triển khai việc đánh giá công tác cán bộ hàng tháng tới tận các đơn vị trực thuộc để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.