Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Ngày Pháp luật Việt Nam phải đi vào cuộc sống, thực sự thiết thực, ý nghĩa

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, DN trên địa bàn Thủ đô tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật để Ngày Pháp luật Việt Nam đi vào cuộc sống, thực sự thiết thực, ý nghĩa.

Ngày 5/11, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và tổng kết cuộc thi "Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng", "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường". Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 

Tại buổi lễ, đại diện Sở Tư pháp đã đánh giá tình hình triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 trên địa bàn Hà Nội với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, xây dựng văn hóa pháp luật gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thi tìm hiểu pháp luật là một trong những thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Hai cuộc thi "Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng", "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường" là điểm nhấn quan trọng, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, thu hút đông đảo người dân tham gia bằng hình thức xây dựng video và thi trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt giải Nhất, giải Nhì cuộc thi "Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng" 

Trong đó, cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường" đã thu hút 629.484 lượt bài dự thi (402.455 bài thi chính thức). Các đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều gồm: Sở GD&ĐT (7.230 bài dự thi), Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (3.773 bài dự thi), Sở Y tế (2.546 bài dự thi), Bộ Tư lệnh Thủ đô (1.242 bài dự thi), Thành đoàn Hà Nội (1.073 bài dự thi), huyện Đông Anh (122.224 bài dự thi), quận Bắc Từ Liêm (104.791 bài dự thi), quận Thanh Xuân (68.491 bài dự thi)... Căn cứ kết quả cuộc thi, Ban Tổ chức quyết định trao 69 giải cá nhân, 21 giải tập thể với tổng số tiền giải thưởng 245 triệu đồng. Nhiều đơn vị có chất lượng bài dự thi tốt, nhiều bài dự thi đoạt giải cao, tiêu biểu như các quận, huyện, thị xã: Gia Lâm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Sơn Tây…

Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, học sinh và Nhân dân đã thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một cuộc vận động lớn trong xã hội trong phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cán bộ và Nhân dân Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải Nhất, giải Nhì cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” trên địa bàn TP Hà Nội 

Cuộc thi thể hiện sự tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham dự cuộc thi đã giúp cán bộ và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường, qua đó góp phần làm cho môi trường Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN trên địa bàn Thủ đô tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật để Ngày Pháp luật Việt Nam đi vào cuộc sống, thực sự thiết thực, ý nghĩa. Cùng đó, nghiên cứu, ban hành chương trình chuyên đề về công tác pháp luật, tư pháp, cải cách hành chính của Thủ đô trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trao giải thưởng cho các tập thể đạt giải Nhất, giải Nhì cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” trên địa bàn TP Hà Nội 

Ngoài ra, đội ngũ, cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn TP cần được bồi dưỡng sâu hơn kỹ năng phổ biến pháp luật, kiến thức pháp luật.  Những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến pháp luật phải được nhân rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới để cải thiện một cách cơ bản, toàn diện, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật, đặc biệt là trong các đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Từ đó, đưa Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động, việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và từng người dân trên địa bàn Hà Nội.