Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM
Báo cáo của huyện Ba Vì cho thấy, để cụ thể việc thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU, Huyện uỷ, HĐND và UBND đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.
Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp của huyện thời gian qua là đã dồn điền đổi thửa được hơn 5.735ha (đạt 123,3% so với kế hoạch TP giao). Huyện có 2 mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất là chăn nuôi bò sữa xã Vân Hòa và tưới phun mưa cho chè, cam tại xã Khánh Thượng; có 11 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Gần 10 năm qua, huyện đã huy động được hơn 2.123 tỷ đồng đầu tư cho NTM, đến nay, toàn huyện có 15/30 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 40,5 triệu đồng. Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 82,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,43%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 89,83% (đạt 102% so với Kế hoạch đề ra). Bên cạnh đó, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; đường giao thông ngõ xóm hầu hết được bê tông hoá; cơ sở vật chất trường học các cấp được đầu tư khang trang theo hướng đạt chuẩn quốc gia…
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, Ba Vì là huyện khó khăn nên nguồn lực đầu tư của huyện chưa thực sự đủ so với yêu cầu, đề nghị các sở, ngành TP tập trung phối hợp với huyện trong thực hiện. Đối với xây dựng NTM, hiện còn 15 xã chưa đạt chuẩn NTM nên cần tập trung cao trong triển khai và bứt phá để hoàn thành việc xây dựng NTM. Ngoài ra, cần quan tâm chính sách đối với đồng bào dân tộc; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; tăng cường quản lý đất đai, GPMB; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng giá trị
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, thời gian qua, phát triển nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Ba Vì tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Trong chăn nuôi bò sữa, huyện đã liên kết với các DN thu mua sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Về xây dựng NTM, năm 2019, huyện sẽ có thêm 3 xã NTM và nâng số xã đạt chuẩn lên 18/30 xã; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ ra một số tồn tại như: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; chưa hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm; chưa phát huy lợi thế là địa phương có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng NTM còn chưa quyết liệt, chưa huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, nhất là đối với các xã vùng xa trung tâm. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng, Luật Đê điều còn chưa được xử lý kịp thời…
Từ thực tế đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, đối với việc tiếp tục thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU, huyện cần coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, tiếp tục làm tốt công tác tuyền truyền, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các tổ chức CT-XH, DN và Nhân dân trong xây dựng NTM.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp phải rà soát lại theo hướng đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Đây chính là cơ sở để xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; các mô hình nông nghiệp hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi gắn với phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình OCOP; tăng cường triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, định hướng đào tạo, phát triển nghề để tăng thu nhập cho Nhân dân. Đặc biệt, duy trì và nâng cao các tiêu chí của xã đã đạt chuẩn NTM. Hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP xét, thẩm định 3 xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Phấn đấu năm 2020, có từ 5-8 xã đạt chuẩn NTM và có từ 1-2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý, huyện cần tập trung làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Ngoài ra, triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở; rà soát lại những địa bàn có phát sinh khiếu nại để chỉ đạo giải quyết dứt điểm và không để phát sinh thành điểm nóng. Đối với việc triển khai thực hiện Đề án số 21 ngày 16/9/2019 về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và phương án kiện toàn sáp nhập tổ dân phố trên địa bàn cần đảm bảo đúng quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, trước mắt, huyện cần chủ động công tác chăm lo, phục vụ Nhân dân đón Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; thực hiện tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, quản lý lễ hội.
Trước đó, đoàn kiểm tra đã thăm tuyến đường giao thông nông thôn và làng nghề mộc thôn La Thiện (xã Tản Hồng). Hiện thôn La Thiện có hơn 100 hộ gia đình làm mộc và nhờ đó đời sống của Nhân dân ngày một nâng cao. Mới đây, Nhân dân thôn La Thiện đã đầu tư được một tuyến đường giao thông dẫn vào thôn trị giá 3,2 tỷ đồng. Trong đó, gia đình ông Phương Công Thạch đã ủng hộ 2,7 tỷ đồng.