Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Hội Nhà báo TP Hà Nội phải là tổ chức vững mạnh, mẫu mực

Việt An (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với bề dày truyền thống hơn 30 năm, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, thực sự phát huy được vai trò là tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Thủ đô, đóng góp quan trọng vào những thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi xung quanh vấn đề này.
Những bước tiến quan trọng
Thưa ông, điều gì là đáng chú ý nhất đối với báo chí Hà Nội mấy năm qua?
- Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước trong thời kỳ mới, báo chí Hà Nội trong mấy năm qua đã có những bước tiến quan trọng và ngày càng tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ đô thân yêu của chúng ta đang thay da đổi thịt từng ngày. Cũng bởi thế mà rất nhiều vấn đề lớn, nóng, bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển. Song với bản lĩnh kiên cường, sáng tạo và nỗ lực đặc biệt, Hà Nội đã vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó, chưa từng có tiền lệ và vươn lên trong mọi mặt. Hình ảnh Hà Nội là thành phố hòa bình, thân thiện, mến khách, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt là thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được xây dựng, có đóng góp xứng đáng của báo chí. Mà ở đó, báo chí Hà Nội luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt, tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân.
  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Trong bối cảnh ấy, ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội Nhà báo TP Hà Nội đối với sự phát triển của báo chí Hà Nội cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam? 
- Hội Nhà báo TP Hà Nội hiện có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt tại gần 20 liên chi hội và chi hội của các cơ quan báo chí Thủ đô và các văn phòng đại diện một số cơ quan báo đài phía Nam đóng trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí là thành viên của Hội phần lớn có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, yêu và tâm huyết với nghề. Nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí của Hà Nội đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trong nghề, đạt nhiều thành tích, đạt giải cao cấp quốc gia và TP.
Với tinh thần chủ động vượt khó, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò gương mẫu, lãnh đạo Hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác tuyên truyền; duy trì, tổ chức và tham gia các giải báo chí uy tín hàng năm, mà phải kể đến là Giải Báo chí Ngô Tất Tố, Giải báo chí viết về gương Người tốt, việc tốt; tích cực phối hợp tham gia chỉ đạo và quản lý báo chí, động viên các hội viên Nhà báo thực hiện tốt các nội dung của Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh từ cơ sở, đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả. Không chỉ quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, Hội còn chú trọng về công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên bằng nhiều hình thức phong phú như mở lớp bồi dưỡng, tổ chức các chuyến đi tác nghiệp thực tế, giao lưu, tọa đàm, hội thảo trao đổi nghiệp vụ…
Tôi cho rằng đây là những hoạt động hết sức thiết thực để Hội Nhà báo TP Hà Nội phát huy được vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển chung của Hội Nhà báo Việt Nam.
Cần dấn thân hơn và nâng cao chuyên môn, đạo đức
Có ý kiến cho rằng, báo chí Hà Nội vẫn còn “lành quá”. Ông nghĩ sao về điều này và theo ông, những người làm báo Thủ đô cần làm gì để xứng đáng với vai trò “chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng”?
- Đây có lẽ là nhược điểm cơ bản của báo chí Hà Nội, nhưng đang dần được khắc phục. Những năm gần đây, các cơ quan báo chí Thủ đô không chỉ tập trung nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội, quảng bá và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và Thủ đô, lan tỏa gương Người tốt – Việc tốt, mà còn mạnh mẽ hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng và tệ nạn xã hội. Báo chí Thủ đô đã tích cực hơn tham gia giải quyết các điểm nóng, những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nhà báo sẵn sàng dấn thân, không ngại khó, khổ. Đội ngũ các cây bút ngôn luận chưa mạnh. Vẫn có những số báo giở ra như hồ nước lặng, vì không có gì mới mẻ, hấp dẫn, đọc hay không đọc cũng như nhau. Hoặc có những tờ báo nặng về minh họa báo cáo, viết dễ dãi…Viết về gương Người tốt – Việc tốt, các gương mặt còn na ná nhau, chưa có bản sắc.
Là một người làm báo nhiều năm, tôi cho rằng Hà Nội là một mảnh đất lý tưởng để phát triển báo chí, để xây dựng thành trung tâm báo chí mạnh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu về thông tin trước sự phát triển và hội nhập toàn diện của đất nước. Người làm báo Thủ đô có trách nhiệm tham gia một cách tích cực để đáp ứng đòi hỏi đó.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2020, theo Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025, TP còn 8 cơ quan báo chí. Theo ông, Hội Nhà báo TP cần làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người làm báo?
- Việc thực hiện quy hoạch các cơ quan báo chí của TP tuy tiến hành theo lộ trình song ít nhiều gây xáo trộn tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm, cuộc sống của những người làm báo. Đây là những vấn đề cần được Hội Nhà báo TP Hà Nội hết sức quan tâm. Hội cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo TP và T.Ư về chế độ, chính sách liên quan đến báo chí. Quy hoạch báo chí là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Dù vậy, giai đoạn đầu sắp xếp có thể có những xáo trộn và bởi vậy, Hội nhà báo TP Hà Nội cần tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình này, đồng thời quan tâm hơn nữa tới nguyện vọng chính đáng của hội viên.
Trong các lợi ích chính đáng của hội viên thì quyền được làm nghề là thiêng liêng nhất. Do vậy, dù sắp xếp theo phương thức nào đối với các cơ quan báo chí thì cũng cấn chú trọng nhân tố con người cần được giải quyết thỏa đáng. Hội Nhà báo Việt Nam nói chung cũng như Hội Nhà báo TP Hà Nội luôn sát cánh, quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên.
Song, thực hiện quy hoạch, nhân lực báo chí sẽ phải rút gọn trong cơ cấu tổ chức của cơ quan báo. Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm. Vì vậy, tôi nghĩ, bản thân những người làm báo cũng cần nỗ lực học hỏi, nắm bắt công nghệ mới, vươn lên khẳng định vị trí của mình trong bối cảnh mới.
Sự phát triển của công nghệ thông tin với những phương tiện truyền thông mới, cũng như trong bối cảnh các cơ quan báo chí đều tự chủ về kinh phí hoạt động đã tác động không nhỏ đối với báo chí Thủ đô, hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo TP. Vậy theo ông, đâu là giá trị cốt lõi để báo chí Thủ đô cũng như tổ chức Hội nhà báo TP vượt qua mọi thách thức, khẳng định được vị trí của mình?
- Những thách thức trên đòi hỏi phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ của những người làm báo và trình độ tổ chức của các cơ quan báo chí. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp, khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải là những yếu tố khẳng định giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam. Những công nghệ truyền thông mới chỉ là công cụ để truyền tải tất cả những giá trị cốt lõi ấy.
Trong xây dựng tổ chức Hội, phải luôn bám sát và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Hội Nhà báo TP Hà Nội phải là tổ chức hội vững mạnh, mẫu mực, có vai trò quan trọng, xứng đáng trong Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu và nhân văn.
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
Hội Nhà báo TP Hà Nội phải là tổ chức hội vững mạnh, mẫu mực, có vai trò quan trọng, xứng đáng trong Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu và nhân văn.