Sự việc bắt nguồn từ hôm 29/6, khi PV của một tờ báo trung ương thường trú trên địa bàn Vĩnh Long liên hệ lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này, để viết bài về xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã. Giám đốc Sở này đề nghị PV liên hệ với ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở để được cung cấp thông tin.
Khi đến Sở NN&PTNT Vĩnh Long thì ông Huệ bận họp, PV trên xin số điện thoại rồi liên hệ với ông Huệ và đặt câu hỏi về đề tài. “Sau đó, tôi và ông Huệ liên lạc qua điện thoại một lần nữa thì ông ấy yêu cầu phải có nhuận bút cho người cung cấp thông tin. Ông Huệ hỏi một tin PV được trả nhuận bút bao nhiêu, trong đó có phần của người soạn tin cho phóng viên không. Ông Huệ cũng nói rằng cấp dưới của ông soạn thông tin, tìm tài liệu mất nhiều thời gian, trong khi đó PV viết bài thì nhận nhiều nhuận bút” - PV trên kể lại.
Ông Huệ cũng nói với PV này đề nghị với ban biên tập của báo nếu muốn hợp tác thì phải có trách nhiệm, chứ “khơi khơi” như vậy cấp dưới của ông không chịu làm. Khi được hỏi chia như thế nào thì ông Huệ nói PV tự định giá sao cho hợp lý…
Chiều 30/6, đại diện cơ quan báo chí của PV trên liên hệ qua điện thoại với ông Huệ, ông này vẫn giữ quan điểm chia nhuận bút như trên, và yêu cầu cơ quan báo chí công khai nhuận bút. Theo ông Huệ, PV viết tin bài nhuận bút rất cao trong khi để trả lời phỏng vấn, cấp dưới của ông phải soạn thảo, chuẩn bị vất vả…
Ngày 1/7, ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết đã họp chấn chỉnh vụ việc trên. Theo ông Dãnh, hàng tuần, Sở đều cung cấp thông tin cho báo chí. “Sở cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, chứ đâu có vấn đề tiền bạc. Đối với nhuận bút chỉ có ở những bài lớn mà các báo đặt hàng. Đối với anh Huệ, tôi đã trao đổi lại. Tôi đã góp ý, yêu cầu anh Huệ rút kinh nghiệm” - Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, ông Huệ “đòi” nhuận bút không phải cho ông ấy mà là cho cấp dưới. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí và quy định của UBND tỉnh, việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các sở, ngành.
Phân trần về những phát ngôn của mình, ông Văn Hữu Huệ cho biết, dùng từ “đòi chia nhuận bút” là hơi quá. “Khi PV phỏng vấn, đưa câu hỏi, tôi phải đưa xuống bộ phận chuyên môn soạn câu trả lời, mất cả buổi. Sau đó, bộ phận chuyên môn đưa lên tôi duyệt. Tôi duyệt phải cắt bớt, biên tập lại. Anh em ở dưới soạn câu trả lời cho báo chí rất vất vả. Vì vậy, anh em ở dưới phản ánh với tôi PV có nhuận bút nhưng không chia sẻ lại. Tôi chỉ phản ánh vấn đề đó cho anh em cấp dưới thôi, chứ tôi không cần tiền. Trách nhiệm của tôi là phát ngôn với báo chí” - ông Huệ giải thích.
Ông Huệ cũng thừa nhận, việc phản ánh trên là “chưa đúng chỗ”, đúng ra là phản ánh với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Theo một lãnh đạo Sở TT&TT Vĩnh Long, năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Theo đó, không có quy định về việc nhận nhuận bút khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Đối với yêu cầu của ông Huệ như trên chỉ là mang tính cá nhân. Sở TT&TT đã đề nghị Sở NN&PTNT cung cấp thông tin theo phản ánh của báo chí để đơn vị tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh…