Cứ nhắc đến Hà Nội là người ta sẽ nói đến "Phở," cho dù các quán phở mang biển hiệu Phở Nam Định mọc lên khắp nơi. Phở ở Hà Nội cũng có nhiều loại, từ bình dân cho tới cao cấp, mỗi bát lên tới cả triệu đồng như báo chí đã nhiều lần đề cập. Nhưng giờ đây, ngay giữa trung tâm thủ đô phồn hoa này, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện cái gọi là “Phở miễn phí.” Câu chuyện hi hữu và cảm động này đã được quán “ Ơ ….Phở gà” (219 Khương Trung Mới, Thanh Xuân) biến thành hiện thực vào mỗi chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 30/12/2012.
.
Quán phở miễn phí dành cho người nghèo (Ảnh: Tâm Tâm/Vietnam+)
Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn được nhận những bát cháo, hộp cơm miễn phí từ tấm lòng hảo tâm của các tổ chức hay đoàn thể đã thật đáng quý… thế nhưng với “cô Tấm” Nguyễn Thu Trang, chủ hàng “Ơ… Phở gà” chia sẻ, không chỉ muốn mang đến những bữa ăn no cho những người nghèo mà với mong muốn họ cũng được thưởng thức những món ăn “không chỉ để chống đói, mà hướng tới người nghèo cũng được dùng những món ngon như bao người khác.” Xuất phát từ tấm lòng mong muốn đóng góp chút ít công sức để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chị cho biết, ý tưởng này chị đã nhen nhóm từ lâu, song do chưa đủ kinh phí nên chưa kịp thực hiện. Nay khi quán đã đi vào ổn định, chị muốn dành cho những người nghèo có được bữa ăn ấm cúng. Ý nghĩ đó càng thôi thúc chị, “khi giữa tiết trời đông giá rét này biết bao nhiêu mảnh đời đang lang thang lo từng bữa ăn giấc ngủ,” chạnh lòng chị nói. Cũng bởi thế bắt đầu từ ngày 30/12/2012, chị và những người bạn cùng làm tại quán “Ơ… Phở gà” sẽ cung cấp miễn phí khoảng 100 bát phở dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về việc này, chị Trang tâm sự, đây là tấm lòng của gia đình mình hướng tới người nghèo khó. Việc cung cấp phở sẽ được tiến hành đều đặn vào mỗi chủ nhật hằng tuần bằng nguồn kinh phí của gia đình. “Qua việc cung cấp phở miễn phí, chúng tôi muốn góp sức nhỏ bé, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn,” chị nói. Để được nhận những bát phở miễn phí, người nghèo chỉ cần đến đăng ký trực tiếp tại cửa hàng và nếu có mang giấy chứng nhận hộ nghèo, hoặc giấy tờ xác nhận, trình bày hoàn cảnh khó khăn, chị sẽ trực tiếp nhận và việc đăng ký này chỉ cần tiến hành một lần. Mới chỉ ngày áp dụng đầu tiên, thế nhưng những đối tượng đến cửa hàng chị đăng ký đã được nhiều người ủng hộ, gồm các đối tượng từ các bạn sinh viên tỉnh lẻ, đến những người bán hàng rong, thu mua sắt vụn, thậm chí cả những em đánh giầy, trẻ em lang thang… Chị Lương (Hải Dương), người thu mua sắt vụn cho biết, tình cờ đi ngang qua thấy tấm biển, chị mạnh dạn vào đăng ký, “các anh chị ở đây tiếp đón rất ân cần, hôm đầu vì chưa biết có giấy tờ gì, các anh chị ấy hướng dẫn làm một đơn đăng ký rồi dặn hôm sau photo chứng minh bổ sung.” Chị Lương cũng thành thật kể, gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, chị phải lên Hà Nội kiếm tiền nuôi các con ăn học, chỗ trọ chị cũng toàn người gia cảnh túng thiếu bươn chải làm ăn, cùng chung cảnh bữa ăn bữa nhịn, dành tiền cho con. Chị ngậm ngùi, trong đời chị chưa từng được ăn một bữa ăn ngon đến vậy, không phải vì nó không mất tiền mà bởi vì chị cảm thấy được ấm lòng bởi có những người quan tâm đến những kẻ bần cùng quanh năm đạp xe lầm lũi kiếm tiền như các chị. Với chị, một bát phở có giá ít nhất cũng phải từ 25-50.000 đồng, đó dường như là thức quà "hạng sang" mà chị chưa từng nghĩ sẽ bỏ tiền ăn thay bữa. Chị Trang trăn trở, hiện cửa hàng chỉ đủ sức cung cấp khoảng 50-100 bát phở/tuần. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chị Trang sẽ vận động bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm đóng góp thêm thêm kinh phí để cung cấp thêm nhiều suất ăn miễn phí cho người nghèo./.