1. Nhiều người đã quen với tên gọi “phố ông đồ” mỗi khi nhắc tới Văn Miếu. Bởi trong tâm trí họ, dù mới chỉ xuất hiện trong khoảng gần 20 năm nay, nhưng hình ảnh những ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” đã hằn in trong tâm trí họ từ rất lâu rồi. Từ cái hồi Hà Nội còn nghèo khó, những ông đồ già gò lưng trên vỉa hè phố Hàng Bồ cho chữ mỗi dịp Tết đến.
Và bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên tiếp tục là sợi dây níu giữ và khắc ghi vào tâm trí nhiều người, ở các thế hệ về một tục lệ đẹp của người Hà Nội xưa. Vũ Đình Liên sinh năm Quý Sửu (1913) tại Hà Nội, ông lớn lên cùng người Kẻ Chợ, vì thế suốt thời thơ ấu của mình, Vũ Đình Liên đã quá quen thuộc với hình ảnh ông đồ già ngồi viết câu đối đỏ. Hồi đó, Vũ Đình Liên sống ở phố Hàng Bạc. Mỗi dịp Tết đến, khi lên trường Bưởi học, ông thường đi ngang qua phố Hàng Bồ – nơi có những ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ” viết câu đối cho khách qua đường.
Sinh thời, ông từng kể: “Những ông đồ thường ngồi ở phố Hàng Bồ. Ông nào cũng già, để râu ba chòm, mặc áo the, chít khăn đen. Các ông ngồi trước hiên, trải chiếu trên nền đất. Ai đến mua chữ, mua câu đối thì ông ngoảnh lên cô hàng xén đằng sau, mua tờ giấy. Các ông viết trên những tờ giấy đỏ, bằng những cái bút lông rất to. Ngày xưa, nhà nào đến Tết cũng có một bức đại tự, viết những chữ Phúc – Lộc – Thọ, dán trên vách cạnh ban thờ; và một vài câu đối treo dọc các cột nhà”. Và ít người biết, vợ thi sĩ Vũ Đình Liên chính là một trong những “cô hàng xén” bán giấy đỏ cho các ông đồ trên phố Hàng Bồ thời ấy. Bây giờ, dù Hà Nội đã mở rộng, hội nhập cùng thế giới, thì mỗi khi xuân về, lòng người như hân hoan hơn, và không ít người lại nhớ tới hình ảnh ông đồ nơi góc phố. Những câu thơ của Vũ Đình Liên lại vang vọng: “Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”…
2. Phố ông đồ Văn Miếu mỗi năm chỉ tồn tại khoảng hai chục ngày. Các ông đồ thường hẹn nhau từ mùa xuân năm trước, tụ lại nơi này quãng từ tầm 20 tháng Chạp. Thú vị ở chỗ, không chỉ có những ông đồ sinh sống tại Hà Nội mà còn có sự tham gia của các ông đồ ở nhiều nơi, nhiều lứa tuổi, từ sinh viên đang học tại các trường đại học, người đang đi làm, người biết chút chữ Hán ở làng, thậm chí có cả những “bà đồ” góp chiếu. Bên cạnh những ông đồ, những người nặn tò he, các nghệ sĩ vẽ ký họa chân dung… cũng góp thêm sắc màu cho “phố”.
Dù phố ông đồ có đến gần trăm chiếu chữ, song “hút khách” nhất vẫn phải kể đến chiếu chữ của ông đồ Cung Khắc Lược. Trước hết bởi vẻ ngoài nho nhã, mái tóc bạc trắng như cước và thần thái tinh anh của ông. Còn đối với người hiểu biết, ông là Tiến sĩ Hán Nôm, nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Hán Nôm quốc gia - một trong “tứ trụ” thư pháp Việt (gồm Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược). Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, chiếu chữ lại hết sức đơn giản, không bàn ghế cầu kì, chỉ có chiếc chiếu, lúc rỗi rãi thì dựa lưng vào tường Văn Miếu, lúc viết thì gò lưng ra đúng kiểu ông đồ xưa, TS Cung Khắc Lược mải miết với chữ, thiết tha với chữ suốt từ đầu đến cuối “mùa cho chữ”.
Có người kể với tôi rằng, ông cùng với hoạ sĩ Nguyễn Trần Thái, nhà thư pháp Lê Xuân Hòa là những người khởi xướng việc cho chữ tại phố Văn Miếu. Mà nhất thiết phải là ngay trên vỉa hè, chứ không phải vào hẳn khuôn viên Văn Miếu. Ông nêu lý do với căn cứ sử liệu hẳn hoi: Gần 800 năm trước, khi Quốc Tử Giám được đổi thành Quốc Học Viện bởi vua Trần Thái Tông, vỉa hè ông đang ngồi được gọi là Tả Thanh Môn, là nơi mà các sĩ tử khắp mọi miền đất nước đổ về chờ giờ thi đến. Tả Thanh Môn cũng là con đường dẫn đến Cửa Nam để đánh chuông kêu oan, hay thông báo những việc trọng đại. Vì vậy, đây chính là mảnh đất “thiêng”, nơi “đắc đạo” để cho và xin chữ.
Chính vì thế, nhiều phen vì việc cho chữ trên phố ông đồ ồn ào quá, làm ảnh hưởng tới giao thông và văn minh đô thị, ngành văn hoá đã sắp xếp lại phố ông đồ. Sự quy hoạch lại gọn gàng vào trong khuôn viên hồ Văn, nhưng ông đồ Cung Khắc Lược vẫn kiên quyết “xin được bám trụ vỉa hè”. Vậy là người ta vẫn thấy Cung Khắc Lược ngồi bên bức tường rêu phong, tái hiện cảnh ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”. Không chỉ được chữ, người ta còn được ông đồ Lược giảng giải cho ý nghĩa của những chữ ấy. Chẳng giống với những ông đồ khác, khách đến muốn xin chữ gì được viết chữ đó; ở chiếu chữ của ông đồ Lược, khách nói tên, nói tuổi, nghề nghiệp rồi căn cứ vào đó ông đồ “khác người” này sẽ ấn định chữ tương ứng với người đó.
Tôi còn gặp trên phố ông đồ Văn Miếu mỗi độ xuân sang một thầy đồ khác, đó là “dị nhân” Văn Thuỳ. Văn Thuỳ có làm thơ, tự nhận là “vung tay quá trán viết lời phù vân”. Ông được nhà phê bình Chu Văn Sơn gắn cho biệt danh “thi sĩ thảo dân”, còn nhiều người “phong” cho hiệu “Trung niên thi sĩ xứ Bắc”- ý nói giống nhà thơ Bùi Giáng của phương Nam. Tóc dài râu bạc, không có vẻ quắc thước tinh anh, trông ông đúng vẻ kì dị của một “dị nhân” nhưng lối cho thơ, cho chữ đầy háo hức, say mê ấy cũng là một điểm nhấn, một yếu tố độc đáo làm nên một chợ chữ đầy màu sắc, đậm chất dân gian. 3. Vì được bày ngay trên vỉa hè nên người ra, người vào tấp nấp. Người xin chữ (mua chữ) cũng nhiều mà người đi xem xét, đi dạo cho vui, đi chụp ảnh cũng lắm. Thậm chí, nhiều du khách nước ngoài đi ngang thấy là lạ cũng dừng lại “xin chữ”, quay phim, chụp ảnh và trò chuyện với các ông đồ. Chính cái sự đông đúc nhiều khi không tránh khỏi xô bồ ấy khiến có những góc nhìn khác nhau. Người ưa “màu dân tộc”, yêu sự hoài niệm thì lấy làm thích thú, ngợi ca. Người khác thì thấy làm cho con phố Văn Miếu vốn trầm lắng là thế trở nên có phần xô bồ, trở thành “chợ chữ” với sự bán mua sòng phẳng, rạch ròi. Góc nhìn nào cũng đều có lý. Nhưng hẳn ta cùng thống nhất một điều: đã là chốn đông người thì tránh sao khỏi sự ồn ào, náo nhiệt. Nếu một ngày Tết đến Xuân về, đi ngang qua Văn Miếu, phố ông đồ không họp. Cả dãy phố với tường rêu vắng lặng, đìu hiu; không còn những tấm giấy màu phất phơ trong gió, hẳn ta sẽ thoáng buồn thoáng nhớ. Vậy để níu giữ chút hoài niệm phố phường cho chính mình và con cháu mai sau, ta cũng nới tấm lòng, gia tăng ý thức khi đến đây để phố ông đồ Văn Miếu mãi là một điểm hẹn thường niên đầy thú vị của người Hà Nội, cũng như của khách phương xa…