Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Các địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong ứng phó bão số 5

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến ứng phó mưa lũ sau bão số 5 diễn ra sáng 31/10.

Hàng trăm nhà dân sập đổ, tàu thuyền gặp sự cố 
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, sóng to gió lớn từ bão số 5 đã khiến 7 tàu thuyền bị trôi dạt ra biển. Hiện, vẫn còn 3 tàu bị mắc cạn. Ngoài ra, 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, dồn xô, va đập dẫn đến hư hỏng.
Cây xanh gãy đổ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyễn Hân. 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin thêm, bão số 5 gây mưa to, gió lớn trong hai ngày qua đã khiến 144 nhà dân bị sập đổ. 2.000m kè biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị sạt trượt, cuốn trôi 13 ngôi nhà. Tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời thì 96 nhà dân khác sẽ bị cuốn trôi. Bên cạnh đó là hàng ngàn cây xanh gãy đổ và một số cầu bị sập. Thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
Tương tự tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, toàn tỉnh có 2 tàu bị chìm. Bè thủy sản cũng bị thiệt hại hàng trăm héc-ta. Có 14 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 18 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%. 70ha cây trồng bị ngập úng. Sạt lở đất gần 2.000m3. Hiện, toàn tỉnh vẫn còn 61 xã đang bị mất điện. Dự kiến trong hôm nay khắc phục tiếp 58 xã; 3 xã ngày mai khắc phục hoàn toàn sự cố về điện.
Theo thống kê, các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối và khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất với tổng số 5.888 hộ/19.803 người. Bên cạnh đó là di dời, gia cố 2.462 lồng bè/9.278 lao động vào nơi an toàn; thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, trong đó khách sạn trên đảo Vạn Ninh (Khánh Hòa) ngừng hoạt động.
Sớm ổn định đời sống cho người dân 
Đánh giá cao công tác ứng phó bão số 5 của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn hạn chế. Cụ thể, trong công tác chỉ đạo, kiểm tra để ứng phó thì có lúc, có nơi còn lúng túng, đăc biệt là vấn đề neo đậu tàu thuyền trên biển. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị 
Lấy dẫn chứng về thiệt hại trên biển do bão số 5 tại Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương phải xem xét, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân vì sao như vậy. “Không thể để vào cảng rồi mà vẫn bị cuốn trôi. Nếu bão số 5 lớn hơn thì sẽ ra sao” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, thời gian tới cần có kế hoạch xây dựng thêm những vùng neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu.
Cùng với việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương họp rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tập trung chỉ đạo các thành viên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 cũng như tình hình mưa lũ thời gian tới để xây dựng giải pháp ứng phó. Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5, trong đó, chú trọng đến công tác hỗ trợ cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai, người bị thương, thiệt hại tài sản, sớm ổn định sinh kế, giúp đỡ bà con bằng nguồn lực tại chỗ. Đặc biệt là bảo đảm chỗ ăn ở và việc đi học của các cháu học sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương khẩn trương huy động lực lượng tu sửa hệ thống đường giao thông, đê kè. Quản lý chặt chẽ mực nước các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi, bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. Đồng thời, chủ động lực lượng, phương tiện tại chỗ để ứng phó kịp thời với các sự cố thiên tai. 
Mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp 
Thông tin tại cuộc họp ngày 31/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, từ 19h ngày 29/10 đến 7h ngày 31/10) tại các tỉnh Quảng Nam - Phú Yên đã có mưa phổ biến từ 100 - 200mm. Một số trạm mưa lớn như: Tam Trà (Quảng Nam) 353mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 338 mm, Ba Điền (Quảng Ngãi) 338mm… 
Đường đi của vùng áp thấp sáng nay 
Ngày 31/10, ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận, mưa sẽ tiếp diễn với tổng lượng từ 40 - 70mm/24 giờ, khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có tổng lượng mưa 80 - 150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có tổng lượng mưa 100 - 200mm/24 giờ, có nơi trên 200mm/24 giờ.Từ ngày 31/10 đến 2/11, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300 - 500mm/đợt.
Cùng với mưa lớn, hiện nay, lũ trên các sông Quảng Ngãi đến Phú Yên đang lên nhanh và ở mức báo động (BĐ) 1. Dự báo, lũ tiếp tục lên nhanh trong 6-12 giờ tới, mực nước trên các sông ở mức BĐ1 - BĐ2, có nơi dưới BĐ3 từ 0,2 - 0,3m; riêng sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 4,8m (trên BĐ3 là 0,3m), sông Đắc Bla tại trạm Konplong 595,0 (trên BĐ3 là 1m).
Từ ngày 31/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.