6 địa phương “cấm biển”
Báo cáo của Bộ đội biên phòng tại cuộc họp cho biết, đến nay biên phòng tuyến biển đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.386 phương tiện/232.828 người biết diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện, còn 2.673 tàu/13.126 người đang hoạt động ven bờ Vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện này đang di chuyển trú tránh.
Trước diễn biến của ATNĐ, tính đến cuối giờ chiều nay (7/7), đã có 6 tỉnh ban hành lệnh “cấm biển”. Cụ thể là: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hải Phòng và Ninh Bình. Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang theo dõi, xem xét việc “cấm biển”.
Đáng chú ý, hệ thống đê điều đang tiềm ẩn nhiều mối lo. Từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 33 vị trí đê điều xung yếu. 5 công trình đê điều đang tổ chức thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Các địa phương đã thực hiện gia cố công trình và sẵn sàng phương án bảo vệ.
Sẵn sàng trực thăng phục vụ cứu nạn
Chủ động ứng phó ATNĐ, Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo và duy trì 264.272 chiến sỹ, 1.979 phương tiện ứng trực, sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng trực thăng phục vụ công tác cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
Từ tối 6/7, Bộ đội Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu tại 19 điểm ven biển. Tối nay (8/7), lực lượng biên phòng sẽ tiếp tục bắn pháp hiệu để cảnh báo cho các phương tiện tàu thuyền về ATNĐ.
Hiện, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang có 3 đoàn công tác đi đến các địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ. 3 công điện và 1 văn bản chỉ đạo đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT gửi đến các bộ ngành, địa phương đề nghị tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Tại các địa phương, cùng với “cấm biển”, có 19 tỉnh, TP đã ban hành công điện để ứng phó với ATNĐ. Trong đó, tập trung vào việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, rà soát, sơ tán người dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Dự kiến tối nay, sẽ sơ tán hết người dân trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản…
Kiểm tra mưa lũ không phải để quay phim chụp ảnh
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp dù chuẩn bị ứng phó rất kỹ, nhưng thiệt hại do thiên tai vẫn rất lớn. Theo Phó Thủ tướng, trong ứng phó thiên tai, chủ yếu vẫn là công tác phòng. “Chúng ta đã và đang làm tốt công tác chủ động phòng chống nhưng không thể chủ quan” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Trong ứng phó, công tác dự báo rất quan trọng. Dự báo lệch đi một chút có thể gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan khí tượng cần tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị và phối hợp với các cơ quan quốc tế để nâng cao năng lực dự báo.
Theo Phó Thủ tướng, chỉ cần chậm một nhịp dự báo thôi thì các bộ ngành, địa phương sẽ không vào cuộc kịp. Thêm nữa, dự báo bão lớn mà không xảy ra thì lần sau sẽ rất khó để vận dộng người dân. Do đó, cơ quan khí tượng chú ý độ chính xác, nhưng cần thận trọng, không nên nói quá lên nhiều.
Trên cơ sở dự báo thì việc phối hợp giữa các lực lượng là ra sao là vấn đề quan trọng đặt ra. “Trong thiên tai, việc sẵn sàng lên phương án ứng phó là rất cần thiết. Ở đó, từng ngành, mỗi địa phương theo chức năng nhiệm vụ cần nêu cao tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”” – Phó Thủ tướng nói. Có phương án rồi thì phải thường xuyên kiểm tra, rà soát. “Kiểm tra 4 tại chỗ phải được thực hiện nghiêm túc. Đi kiểm tra ứng phó không phải để quay phim chụp ảnh một lúc là xong…” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch ứng phó trong các tình huống trước, trong và sau thiên tai. Đối với các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp thì cần có phương án cụ thể hơn, nhất là đối với công tác khắc phục hậu quả. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác ứng phó, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc như từng xảy ra trong năm 2020.